Lực lượng chức năng đã huy động nhiều máy móc, thiết bị cùng nhân lực để cứu cháu bé, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.
- Hãi hùng nguyên nhân chồng phóng hoả thiêu vợ và 3 con ở Tuyên Quang: tang thương vây kín ngôi nhà cháy
- Bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m: thời gian quá gấp, dự tính nhổ cột cứu bé
Theo Dân Trí, từ cuối giờ chiều 1/1 đến sáng 2/1, lực lượng chức năng đã phong tỏa nghiêm ngặt hiện trường, những người không có nhiệm vụ không thể tiếp cận bên trong.
Ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, cho biết sau khi họp bàn, các lực lượng giải cứu thống nhất tiến hành giải pháp làm giảm ma sát cọc (khoan tạo lỗ, xói thành cọc…) để sau tiến hành rút cọc cứu cháu bé.
Máy khoan sẽ để đưa từng đoạn cọc dài gần 4m xuống hố, đồng thời bơm nước làm mềm đất, tạo miệng hố rộng để nhổ cọc đang có người mắc kẹt. Mất gần 4 giờ từ khi triển khai, máy mới khoan đưa đoạn cọc đầu tiên xuống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trụ bê tông hơi lệch, nên việc khoan tạo lỗ bên cạnh không thể làm nhanh như dự tính. "Chúng tôi vừa làm vừa điều chỉnh phương án, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình cứu hộ" - ông Bảo cho biết.
Theo Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, trụ bê tông mà trẻ rơi xuống, mắc kẹt dài 35m, gồm 3 đoạn nối nhau, bên trong trụ là khoảng trống.
Quá trình lực lượng chức năng tiếp cận, ngoài việc tiếp oxy sâu bên trong trụ bê tông, cán bộ cứu hộ còn dùng dây thả camera xuống dưới, song chỉ quan sát thấy đất, chưa thấy nạn nhân.
Đến 7h ngày 2/1, lực lượng chức năng đang nỗ lực tiếp cận nạn nhân nhưng việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực rút trụ bê tông tiếp cận bé trai 10 tuổi chưa có tiến triển. Tiếng máy móc đã tạm ngưng khoảng 30 phút.
Khu vực hiện trường đang có mưa rào, dự kiến công tác cứu hộ trong ngày 2/1 sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện trường vụ việc cách TP Cao Lãnh hơn 50km. Nơi đây cách khu dân cư khoảng 500m. Nhà nạn nhân 10 tuổi cách hiện trường hơn 1km.
Cũng theo Báo Thanh Niên, khi có máy khoan cọc nhồi chuyên dùng đến thì quá trình cứu hộ bé Nam sẽ được khả quan hơn. Bởi tốc độ khoan của máy khoan cọc nhồi có thể khoan gấp nhiều lần máy khoan địa chất đang sử dụng. Từ việc đẩy nhanh tiến độ khoan vào vị trí móng cọc bê tông mố cầu, nơi bé Hạo Nam bị nạn sẽ làm giảm lực ma sát của cọc với lớp đất sét rất dầy tại vị trí thi công nhằm nhổ được móng cọc bê tông lên để tiếp cận với cháu bé bị nạn.
Để cứu hộ cháu bé bị nạn, lực lượng cứu hộ đã dùng nhiều phương án và bơm liên tục ô xy và truyền nước uống để Nam cầm cự. Có 3 máy kobe và 1 cần cẩu 50 tấn được huy động đến hiện trường để cứu hộ. Lực lượng cứu hộ đã đào đất quanh vị trí cọc bê tông bé trai bị tai nạn để tạo một hố rộng khoảng 10 m nhằm triển khai việc xử lý cứu hộ cháu Nam.
Liên quan đến sự việc, một đoạn camera an ninh đang được chia sẻ, được cho là ghi lại diễn biến tai nạn, cho thấy cảnh bé trai trước khi gặp nạn đi cùng nhóm bạn 3 người tìm kiếm thứ gì đó trên nền đất công trường lồi lõm, nơi có nhiều hố đất kích thước khác nhau.
Hạo Nam nhỏ nhất trong nhóm bạn, trong lúc đi lại khu vực này không may tụt xuống hố sâu, sát khu vực đang tập kết nhiều trụ bê tông. Hiện trường vụ việc là khoảng đất rộng, sát với ruộng.