Cho rằng mẹ mình sống khổ cực nên Bùi Quốc T. (38 tuổi) đã "giải thoát cho mẹ đỡ khổ" bằng cách kết liễu sinh mạng người phụ nữ.
- NÓNG: 3 người dân ở vùng núi Nghệ An bất ngờ dương tính nCov dù 'không đi đâu, không tiếp xúc ai'
- Thanh niên 'kéo khẩu trang hút thuốc' mùa dịch, phạt ngay 2 triệu đồng
Vụ việc Bùi Quốc T. (38 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) sát hại mẹ ruột là bà Phạm Thị S. (68 tuổi) dã man vào ngày 17/6 vừa qua khiến dư luận không khỏi xôn xao. Nhưng điều khiến dư luận càng bàng hoàng hơn chính là việc đối tượng T. đã bị tâm thần nhiều năm nay, thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng, đối tượng này tinh thần có dấu hiệu không ổn định.
Án mạng đau lòng
Liên quan đến vụ việc, theo thông tin mới nhất, ngày 14-7, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Quốc T. để điều tra về tội "Giết người".
Trước đó, vào khoảng 4h sáng cùng ngày, anh Bùi Thiết L. (43 tuổi) - một người con trai khác của bà S, đồng thời cũng là một người anh em khác của T., nhà ở kế bên, nghe tiếng đập cửa ồn ào cùng tiếng la hét của mẹ. Nghĩ người đập cửa là T. (vì T. đang được điều trị bệnh tâm thần và thường xuyên phá phách trong nhà) nên anh L. có lớn tiếng nhắc nhở.
Tuy nhiên, vẫn không yên tâm, anh L. đã sang nhà mẹ để để xem xét. Khi đến nơi, anh tá hỏa phát hiện bà S. đang nằm bất động trước nhà, trên người đầy thương tích và máu. Đứng gần đó là anh T. đang lăm lăm hung khí trên tay.
Lúc này anh L. hốt hoảng gọi mọi người xung quanh, thấy mọi người chạy đến, T. liền bỏ đi. Sau đó, anh L. gọi thêm một người anh ruột khác đuổi theo T. nhưng không được.
Đến 6h sáng cùng ngày, cơ quan Công an đã truy tìm và bắt giữ được T. khi đang đi bộ trên đường trong khu rẫy vắng gần nhà.
Tại cơ quan Công an, T. đã thừa nhận hành vi giết mẹ mình. T. cho biết, vì "cho rằng" mẹ mình (bà S.) sống khổ cực nên đã "giải thoát" cho mẹ đỡ khổ.
Thời điểm xảy ra sự việc, trong nhà chỉ có bà S. và anh T. nên mọi người không kịp thời phát hiện sự việc để can ngăn.
Theo lời khai của gia đình, T. bị tâm thần từ nhiều năm nay và đã được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Sau khi xảy ra án mạng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã trưng cầu giám định tâm thần với T. để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định.
Những bi kịch đau lòng và nỗi thấp thỏm khi sống chung với người tâm thần
Không chỉ trong năm 2021 mà thời gian trước đó, nhiều vụ án đau lòng tương tự cũng đã xảy ra và đối tượng gây nên những vụ thảm án đó là những người bị tâm thần.
Đặc biệt, vụ trọng án nghiêm trọng xảy ra tại Bạc Liêu làm 2 người chết, 10 người bị thương, trong đó có 6 trẻ em vào tháng 7/2018 đã gây chấn động dư luận thời điểm đó. Vào 15 giờ, ngày 24/07/2018, Thạch Sà Khêl bất ngờ vác dao chạy dọc theo xóm, xông vào nhiều nhà dân chém tới tấp nhiều người và gây ra hậu quả hết sức kinh hoàng.
Tuy nhiên, sau khi điều tra thu thập chứng cứ, cơ quan chức năng đưa đối tượng đi giám định và được kết luận Khêl mắc bệnh tâm thần nên đã đình chỉ vụ án.
Đó chỉ là 1 trong nhiều vụ án nghiêm trọng do các đối tượng bị tâm thần gây ra, thế nhưng có một thực tế, những đối tượng này hàng ngày vẫn đang sống chung với gia đình, cộng đồng, tạo ra không ít sự bất an cho xã hội. Những nguyên nhân về yếu tố bệnh lý như hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao, ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm xấu, chán nản bi quan, kích động vận động, ý thức hoàng hôn... đã dẫn đến hàng loạt các hành vi phạm tội "man rợ", "dã man" và nhiều hệ lụy đau lòng.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp những người này chưa gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội. Phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải trường hợp nào cũng nhận được sự quan tâm của gia đình.
Mặt khác, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế, mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ quy định việc xác định tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thuộc trách nhiệm của cơ quan pháp y. Ở các giai đoạn tố tụng, giai đoạn nào phát hiện được, hoặc người phạm tội yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn đó trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của người phạm tội để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.
Nghị định số 64/2011/NĐ-CP quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người được xác định mắc bệnh tâm thần. Nhưng các biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, tức là sau khi các đối tượng đã gây án.
Thế nhưng nhìn lại hàng loạt vụ trọng án kinh hoàng mà các bệnh nhân tâm thần gây ra thì thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy định về việc chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần. Đừng để khi xảy ra những vụ việc đau lòng mới đưa đi chữa bệnh, lúc này điều còn lại chỉ là những nỗi đau không thể nguôi ngoai.