Do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, một số cá nhân đổ đất làm kè, lấn sông, phá hại cảnh quan rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh (Hội An).
- Nghi vấn lách luật vụ nhà ở thành khu karaoke: Chờ hoạt động mới biết đúng sai(?)
- Chung cư Gold View ở Sài Gòn từng vướng nhiều lùm xùm
Vài năm trở lại đây, khi dự án cầu Cửa Đại và đường dẫn qua cầu nối xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên với thành phố Hội An hoàn thành cũng là lúc một số cá nhân đổ đất làm kè, lấn sông, phá hại cảnh quan rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh. Không ít trường hợp tự ý chặn dòng chảy để xây dựng, mở rộng các khu dịch vụ ăn uống.
Khu Di tích lịch sử rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Tại đây, một số công ty đã tổ chức tour du lịch sinh thái bằng hình thức chèo thúng trên sông, tham quan rừng dừa. Trước sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, một số tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép, lấn chiếm đất bất hợp pháp.
Cụ thể, Khu du lịch sinh thái Vũ Lê do ông Lê Thanh Vũ làm chủ, xây dựng 6 hạng mục công trình lấn chiếm 520m2 đất lòng sông. UBND thành phố Hội An xử phạt 4 triệu đồng, yêu cầu ông Vũ khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, ông Vũ mới chấp hành nộp phạt 4 triệu đồng, riêng công trình xây dựng trái phép vẫn không chịu tháo dỡ. Còn Công ty TNHH Discovery do ông Nguyễn Tuấn Liên làm Giám đốc cũng đã sử dụng bi ống cống, đất, tổ chức san lấp hơn 300m2 mặt nước thuộc Khu di tích rừng dừa Bảy mẫu. Đoàn kiểm tra của xã Cẩm Thanh tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu tự khắc phục trả lại nguyên hiện trạng ban đầu trước ngày 20/8 nhưng đến nay doanh nghiệp này chưa chấp hành.
Chưa hết, UBND xã Cẩm Thanh còn phát hiện Công ty TNHH Rừng Dừa xây dựng bãi đỗ xe, nhà trưng bày hải sản; Khu du lịch sinh thái Vạn Dừa xây dựng hồ bơi trên khu vực rừng dừa tự nhiên…
Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, tình trạng xây dựng không phép, lấn chiếm hành lang đường dẫn cầu Cửa Đại cũng như phá rừng dừa, lấn, lấp sông xảy ra từ nhiều năm trước.
"Hiện nay như trường hợp Vũ Lê, chúng tôi đã hoàn chỉnh hồ sơ để trình UBND thành phố, gửi Phòng Tư pháp rà soát lại quy trình cưỡng chế, phải có quy trình cụ thể. Còn riêng đối với trường hợp Tuấn Liên hiện nay họ đang kè lấn sông khoảng 300 mét. Chúng tôi đã làm việc, tuyên truyền tự tháo dỡ, kiểm tra lại nếu không tháo dỡ theo biên bản làm việc thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý hành chính" - ông Linh cho biết.
Năm 2015, Khu du lịch sinh thái cộng đồng rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trở nên sôi động. Trung bình mỗi ngày có từ 200 đến 300 khách tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Những ngày nghỉ, lượng khách đến tham quan rừng dừa đạt con số gần 2.000 lượt. Sự tăng trưởng lượng khách tham quan góp phần tăng thu ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, sự phát triển nóng này cũng đã phá vỡ cảnh quan rừng dừa Bảy Mẫu tồn tại hàng trăm năm nay. Năm 2016, chính quyền thành phố Hội An có Thông báo về việc cho phép xây dựng các công trình tạm trên hồ tôm để phục vụ du lịch. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp ồ ạt xây dựng công trình trong khu vực rừng dừa. Một số doanh nghiệp còn tự ý đổ cát lấn chiếm, mở rộng diện tích sử dụng ngoài phạm vi hồ tôm.
Ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, do thời gian đầu còn thiếu kinh nghiệm nên không quy định chặt chẽ mật độ xây dựng, vật liệu sử dụng phù hợp với cảnh quan môi trường khu vực rừng dừa.
Theo ông Trần Ánh: "Ngay từ ban đầu thành phố cũng chưa có tiền lệ, chủ yếu hồ nuôi tôm thôi chứ chưa có dịch vụ nào hết. Chủ trương cho họ thử nghiệm kết hợp với dịch vụ. Thời gian đầu không quy định chặt chẽ xây dựng như thế nào. Nếu vi phạm quá thì phải cưỡng chế tháo dỡ. Trước đây chưa có quy định thì họ xây dựng, họ làm mình không giám sát, làm rồi mới phát hiện ra làm như vậy là quá cho phép và không phù hợp"./.