Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro khi xuống tiền vào đất nền ven biển như bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng "thổi giá" của thị trường hoặc mua phải dự án pháp lý không rõ ràng.
- Đại gia tỉnh lẻ xin làm quy hoạch siêu dự án nghỉ dưỡng 1.500ha
- Lo ngại rủi ro chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền
Nhiều rủi ro với trào lưu đầu tư BĐS ven biển
Báo cáo tổng hợp từ Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho thấy, hiện các dự án bất động sản được triển khai rất mạnh tại nhiều điểm du lịch biển trên cả nước. Sản phẩm chủ đạo là nhà đất và đất nền với tình trạng nở rộ phân lô bán nền.
Tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường, được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Hội Môi giới nhận định, giá đất nền tại các tỉnh có thể tăng trong biên độ từ 10 đến 15% trong năm 2019.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư "lướt sóng" và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá bán nhiều nơi đã bị "thổi" cao ngất ngưởng.
Tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội" vừa diễn ra, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vừa qua có hiện tượng sốt đất cục bộ tại một số địa phương ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận... Ông Võ cho rằng, việc các nhà đầu tư, các chủ dự án BĐS nhận đất xong thì chia lô bán nền ngay là đi ngược lại với cách đầu tư chuyên nghiệp là đưa vào đầu tư để sinh lời.
“Ở các nước trên thế giới, họ chỉ dùng cơ chế chia lô bán nền để giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Tức là do anh ít tiền quá, nay anh làm cái nền, mai ai làm cái móng... Còn ở nước ta, cơ chế chia lô bán nền như một sản phẩm của thị trường bất động sản. Điều này không đúng. Tôi nghĩ, lúc này lên quay lại việc cấm chia lô bán nền đi, bởi vì đang bị rất nhiều dự án “ma” lợi dụng”, ông Võ nhấn mạnh.
"Cò đất" đua nhau tạo "sốt" ở các siêu dự án ven biển
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến nghị, hiện nay, thị trường BĐS du lịch đang phát triển mạnh nhưng đầu tư vào đâu cần cẩn trọng.
"Tôi khuyên nhà đầu tư trách đất nền tại các dự án nhỏ lẻ, hay như việc mua lại đất nền của người dân là rất nguy hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào dự án có quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn là kênh đầu tư sinh lời, đảm bảo giá trị”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Rủi ro bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; Rủi ro mua phải đất không rõ ràng pháp lý, đất lấn chiếm giấy tờ chủ yếu là giấy viết tay giá trị đảm bảo không cao. Một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch...
Trên thực tế liên tục trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của các tỉnh ven biển miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận..., đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, các sàn môi giới dừng việc giao dịch chyển nhượng mua bán các dự án chưa đủ điều kiện bán hàng.
Tình trạng bán nhà, đất chưa đủ điều kiện các tỉnh trên xảy ra khi từ sau Tết nguyên đán đến nay, khi trên địa bàn tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận... xảy ra hiện tượng sốt đất, khi giá đất được giới BĐS bơm thổi biến động từng ngày.
Theo ghi nhận, những dự án đất nền tại các địa bàn TP Phan Thiết trước đây được chủ đầu tư bán ra khoảng 7-8 triệu đồng/m2, còn hiện tại đang được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá từ 12-20 triệu đồng/m2…
Tại tỉnh Ninh Thuận, hiện một siêu dự án du lịch được quảng cáo lớn nhất Ninh Thuận nhưng lại “nhiều không”, đang được "cò đất" đua nhau thổi giá. "Tại khu vực TP Phan Rang - Tháp Chàm, có dự án BĐS du lịch lớn chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ. Đặc biệt, dự án này có xây dựng căn hộ du lịch (condotel) - một loại hình không được công nhận là đơn vị ở và chưa được pháp luật quy định nhưng lại được rao bán rầm rộ gây nhiễu loạn thị trường", đại diện Sở Xây dựng Ninh Thuận cho biết.
Đáng chú ý, có dự án BĐS chưa đủ điều kiện nhưng tiến hành động thổ, khởi công rầm rộ để huy động vốn trái phép: "Vừa rồi cơ quan chức năng phải vào cuộc trước việc huy động vốn trái phép ở các dự án BĐS chưa đủ điều kiện bán hàng. Có dự án ở TP Phan Rang, đang trình Bộ Xây dựng thẩm duyệt khi điều chỉnh quy hoạch từ 2 tầng đến 18 tầng thành 29 đến 55 tầng, nhưng trên thị trường đã được rao bán rồi, điều này rất rủi ro cho khách hàng", vị cán bộ cảnh báo.