Một khu đất hoang với diện tích gần 9000m2 tọa lạc hai mặt tiền đường Trần Phú và D8 thuộc KDC Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương được cho là của ông Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”) sẽ xây dựng chung cư cao cấp. Tuy nhiên, dự án dù chưa được cấp chủ trương nhưng đơn vị phân phối đã rao bán căn hộ.
- Ngôi nhà xập xệ 40 năm tuổi "lột xác" thành không gian sống lý tưởng
- Khởi tố vụ án lừa đảo tại Công ty Bất động sản Nam Thị
Mới đây, trên nhiều kênh thông tin quảng cáo đồng loạt xuất hiện lời chào bán căn hộ rầm rộ tại khu dân cư mang tên Chánh Nghĩa Quốc Cường (tên thương mại là C Skyview Bình Dương) tại phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Chủ đầu tư dự án KDC Chánh Nghĩa Quốc Cường là Quốc Cường Gia Lai, được phân phối bởi Công ty Bất động sản Homenext. Dự án có tổng diện tích hơn 8.600m2, được xây dựng gồm 2 block với 35 tầng.
Thông tin trên khiến giới kinh doanh bất động sản tại Bình Dương tò mò vì cho rằng đây là dự án của 'đại gia phố núi' Cường 'đô la'.
Để tìm hiểu về dự án, PV đã đến khu vực được cho là sẽ xây dựng một khu dân cư cao cấp mang tên Chánh Nghĩa Quốc Cường. Tại đây, theo ghi nhận chỉ là một bãi đất trống, được bao quanh bởi tôn thép cũ và chưa có dấu hiệu khởi công xây dựng. Dù vậy, các nhân viên được cho là của Công ty bất động sản Homenext (đơn vị phân phối) đã chào bán căn hộ.
“Hiện tại, anh (PV) có thể đặt tiền giữ chỗ mua căn hộ trước 200 triệu đồng, sau đó sẽ thanh toán số tiền còn lại theo từng đợt”, một người tên Dương mời mua căn hộ. Theo nhân viên của Công ty bất động sản Homenext, tại dự án KDC Chánh Nghĩa Quốc Cường, mỗi căn hộ sẽ có diện tích từ 50m2 đến 100m2. Giá giao động từ 35 đến khoảng 50 triệu/m2.
Liên quan đến dự án KDC Chánh Nghĩa Quốc Cường, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định dự án chưa được cấp phép chủ trương đầu tư. “Hiện tại, dự án KDC Chánh Nghĩa Quốc Cường chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trước đó, chủ đầu tư dự án có trình phê duyệt quy hoạch dự án tại TP. Thủ Dầu Một nhưng đến nay chưa được chấp thuận”, đại diện Sở Xây dựng Bình Dương nói.
Việc dự án chưa hình thành và chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng đã rao bán và nhận tiền giữ chỗ, theo giới chuyên gia đó là hành vi làm trái quy định. Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 nêu rõ, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Theo đó, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Như vậy, việc huy động vốn dưới dạng đặt cọc, giữ chỗ từ khách hàng khi chưa đủ điều kiện là trái pháp luật.
Một chuyên gia bất động sản cho rằng, việc khách hàng đặt tiền giữ chỗ mua căn hộ khi dự án chưa được cấp phép thì rủi ro rất khó lường. Giả thiết, chủ đầu tư một lúc thực hiện nhiều dự án hoặc lấy vốn dự án này “đắp” cho dự án khác dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích, làm chậm tiến độ dự án, nghiêm trọng hơn có thể sẽ đóng băng dự án khi nhà đầu tư không cân đối được vấn đề tài chính.
Ngoài ra, còn có rủi ro về phê duyệt dự án; trong quá trình thực hiện, dự án bị vướng mắc, thiếu sót dẫn đến dự án không được phê duyệt thì rủi ro về việc không bàn giao được nhà sẽ rất cao, lúc này chủ đầu tư đã sử dụng hết nguồn vốn để đầu tư dự án nên tiền trả lại cho khách hàng sẽ không còn. Vì vậy, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là khách hàng.
Năm 2018, được cho là năm “khủng hoảng” của đại gia phố núi Nguyễn Quốc Cường. Bởi, hàng loạt các dự án bất động sản của Cường “đô la” tại một số tỉnh, thành bị cấm chuyển nhượng, cấm xây dựng dự án. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Phước Kiển (TP.HCM) gây xôn xao dư luận. Dự án này khiến ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bị kỷ luật.