“Không có dịp nào thích hợp để chi tiêu cho bản thân và gia đình hơn kỳ nghỉ lễ” - đây là quan điểm phổ biến của rất nhiều bạn trẻ hiện nay.
- Hàng nghìn người chen chân xem múa lân, chợ đêm Đà Nẵng ken kín lối
- Bắt giam, khởi tố hai cha con có hành vi côn đồ dùng dao chém tới tấp đối phương sau va chạm giao thông
Những ngày lễ là khoảng thời gian "xả hơi" sau những ngày làm việc mệt mỏi, về với gia đình, gặp mặt bạn bè tâm sự về thời gian đã qua. Đồng thời, đối với một bộ phận người trẻ, đây là thời điểm thích hợp để chi tiêu thoải mái hơn.
Với nhịp sống vội vã của công việc hay học tập, đây là thời gian hiếm hoi để nghỉ ngơi và tự thưởng cho bản thân. Không ít bạn trẻ thậm chí trong vài ngày nghỉ lễ đã chi tiêu bằng số tiền bằng 1-2 tháng lương. Chẳng có gì sai khi mưu cầu những điều tốt đẹp hay nghỉ lễ với tâm trạng vui vẻ bằng cách chi tiêu tiền, nhưng liệu điều này có thật sự phù hợp?
Tâm lý chi tiêu trong kỳ nghỉ
Kỳ nghỉ lễ hay là mùa của sự cho đi này, chủ nghĩa vật chất thường có thể được coi là hào phóng. Chi tiêu nhiều hơn số tiền bản thân có cho quà tặng và hợp lý hóa việc mua sắm quá mức với những lời hứa về sự tiết kiệm sau những ngày nghỉ lễ là điều không khó để bắt gặp trong quan điểm của nhiều bạn trẻ. Song, điều này cũng dẫn đến việc sau kỳ nghỉ, nhiều người tiêu sạch tiền dù chỉ mới đầu tháng hay tệ hơn là mắc nợ.
Bên cạnh đó, bạn có thể nhận thấy rằng trên MXH hay các tạp chí vào những thời điểm này đều cho rằng tất cả chúng ta đều cần trang phục mới. Những ngày nghỉ lễ cũng là khoảng thời gian vô cùng phù hợp để mua những sản phẩm hoặc dịch vụ đắt tiền hơn. Bởi vì tại sao không, đặc biệt sau những ngày làm việc chăm chỉ? Đây cũng thời điểm kích cầu du lịch bởi vì kỳ nghỉ dài nên mọi người có thể tranh thủ đi chơi hơn.
Một trong những lý do khác chính là tâm lý FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ), khi nhìn người khác chi tiêu tiền và đăng ảnh đi du lịch hay mua sắm mà bản thân không làm vậy thường khiến bạn cảm thấy "lạc lõng". Tức là bạn đang không tận hưởng cuộc sống vì đang không giống như những người xung quanh.
Mặt khác, các dịch vụ biết rất nhiều về việc sử dụng các thủ thuật tâm lý để khiến bạn chi tiêu quá mức đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ. Mọi thứ từ bảng giá đến màu sắc trong màn hình theo chủ đề ngày lễ đều khuyến khích bạn chi tiêu nhiều hơn. Tổng hợp những điều này dẫn đến tâm lý phổ biến: Nghỉ lễ là phải chi tiêu nhiều hơn.
Người trẻ đã chi tiêu như thế nào trong dịp nghỉ lễ 2/9?
Ngày nghỉ Quốc Khánh năm nay kéo dài 4 ngày, đủ để những người trẻ xa nhà về quê thăm gia đình, hội bạn bè tụ tập rủ nhau đi du lịch hay đơn giản hơn là dành thời gian la cà ngồi cà phê nhìn ngắm phố phường.
Do tính chất công việc, Quỳnh Chi (26 tuổi) đã có 1 khoảng thời gian dài làm việc gần như không có ngày nghỉ, do vậy cô bạn đã dành khoảng thời gian nghỉ 2/9 này để làm những điều bản thân đã ấp đủ. Đó là chi tiêu để nhuộm tóc và 1 chuyến đi chơi ngắn tại Bắc Ninh 1 mình.
"Dịp nghỉ lễ dài như 2/9 là một dịp hiếm hoi trong năm mình có thời gian để nghỉ ngơi, tự thưởng bản thân. Mình chấp nhận "vung tiền" chi tiêu hơn cho du lịch, mua sắm và thay đổi ngoại hình của bản thân. Một phần là đến giờ mình mới có thời gian để tiêu tiền. Phần lớn hơn là mình muốn tận hưởng thành quả lao động sau những ngày làm việc triền miên. Có thể những chi tiêu này sẽ khiến khoản tiết kiệm trong tháng của mình giảm đi, nhưng cuộc đời cũng không cần quá cứng ngắc như vậy", Quỳnh Chi chia sẻ.
Ảnh minh hoạ (Pinterest)
Còn đối với Yến Nhi (23 tuổi), cô bạn dành thời gian này để về thăm gia đình. "Mình đi làm gần 2 năm rồi, thu nhập ổn định hơn, đợt lễ này về nhà cũng muốn biếu ông bà và bố mẹ chút tiền. Đó có lẽ là khoản tiền lớn nhất mình tiêu trong 2/9. Ngoài ra, mình đi ăn uống gặp mặt bạn bè, mua vé về nhà, sắm một ít quần áo bởi vì đợt này cũng đang giảm giá nhiều".
Cô bạn chia sẻ rằng bản thân dự kiến sẽ tiêu khoảng 6-7 triệu đồng trong những ngày nghỉ lễ này. Một phần đã được lên kế hoạch, bên cạnh đó, ngày nghỉ ngơi nên xu hướng tiêu tiền cũng tăng lên. Do có nhiều thời gian rảnh nên cũng lướt trang MXH thấy sản phẩm nào được đánh giá ổn là muốn mua về thử.
Ngày 3 bữa đều đi ăn ngoài chính là tình trạng mấy ngày lễ của Mai Ngọc (24 tuổi). "Mình đi ăn với bạn bè là chủ yếu, rồi lại la cà cà phê, xem phim. Bạn bè chẳng mấy khi gặp nhau, mình nghĩ tiêu tiền để ăn uống cũng chẳng có gì sai. Đối với điều này là cần thiết phải làm".
Tâm lý nghỉ xả hơi, mặc định tiêu nhiều tiền hơn trong ngày lễ gần như là quan điểm của rất nhiều bạn trẻ. Một phần của nó xuất phát từ nhu cầu xã hội để không bị bỏ lại. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhấn mạnh rằng điều này có thể sẽ rất nguy hiểm với tài chính cá nhân khi luôn mang quan điểm tiêu sạch tiền trong ngày lễ.
Chuyên gia tài chính Chris Berger chia sẻ: "Bạn phải hiểu những ngày nghỉ lễ có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân. Nếu nó có khả năng làm tan vỡ tài chính của bạn, có lẽ đã đến lúc thay đổi cách tiêu tiền và đơn giản là không chạy theo đám đông".
Hãy bắt đầu lập ngân sách với những kỳ nghỉ lễ. Chia từng khoản nhỏ, và chắc chắn rằng bản thân sẽ không thâm hụt ngân sách. Kỳ nghỉ lễ sẽ rất vui nếu được gặp bạn bè, thể hiện tình cảm với gia đình, nhưng sẽ tuyệt vời khi bước qua những ngày nghỉ và không bị tình trạng rỗng túi hay nợ nần đè nặng.