Là công chúa quyền lực nhất lịch sử Trung Hoa, cô gần như đã tiến rất gần đến việc trở thành Võ Tắc Thiên thứ 2.
Võ Tắc Thiên là Nữ hoàng đế duy nhất được công nhận trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Con gái của bà, Thái Bình công chúa, chịu ảnh hưởng nặng tư tưởng của mẹ và tham vọng trở thành nữ hoàng đế thứ hai, thế nhưng cuối cùng đã không thành và có một kết cục bi thương.
Phong hiệu đầy đủ là Trấn quốc Thái Bình trưởng công chúa, cô là đứa con nhỏ nhất của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên. Thái Bình công chúa được tương truyền thừa hưởng sự thông minh, mưu mô từ mẹ, nhất là trong vấn đề chính trị.
Cô có một hầu nữ thân cận cũng rất xinh đẹp và thông minh là Thượng Quan Uyển Nhi. Nhờ sự giúp đỡ của cô hầu nữ này mà Thái Bình công chúa đã làm được nhiều việc lớn trên chính trường.
Thái Bình công chúa được ban hôn với Tiết Thiệu, cháu ngoại trai của Đường Cao Tông. Dù là một cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng vì Tiết Thiệu tài hoa, hào kiệt nên Thái Bình công chúa cũng có thời gian hạnh phúc bên vị hôn phu này.
Như một bản sao của Võ Tắc Thiên
Dù là em gái của Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đản, Thái Bình từ sớm đã nhận được sự sủng ái đặc biệt từ mẹ, và qua đó cô cũng dần hình thành sự mưu mô, xảo trá chốn hoàng cung từ rất sớm.
Tương truyền, biết được Võ Tắc Thiên là một người ham mê dục vọc, Thái Bình đã gián tiếp cống nạp cho mẹ mình 2 người đàn ông Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi. Cả 2 dần có được sự tin tưởng của Võ Tắc Thiên và sử dụng quyền lực được trao để lộng hành khắp nơi mà bà không hề biết.
Sau đó, Thái Bình công chúa sử dụng sự ảnh hưởng để xúi giục Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi làm phản, ép Võ Tắc Thiên bỏ ngai vàng và truyền ngôi cho Lý Hiển. Mặt khác, Thái Bình sử dụng sự sủng ái của mình để khuyên nhủ mẹ từ ngôi về làm Thái Thượng Hoàng. Sau khi Võ Tắc Thiên đồng ý, Thái Bình được xem là đã có công hòa giải mâu thuẫn đất nước và được tôn là Trấn Quốc Thái Bình công chúa.
Sau sự kiện này, thế lực của Thái Bình công chúa ngày càng lớn mạnh và cô trở thành công chúa có quyền lực nhất nhà Đường. Thái Bình hỗ trợ anh trai Lý Đản lật đổ âm mưu của Vi Hậu và công chúa An Lạc, truất ngôi Lý Hiển để lên ngôi Hoàng đế.
Theo sử sách, Lý Đản sau khi đăng cơ rất tin tưởng Thái Bình và thường xuyên bàn bạc chuyện triều chính với cô. Mỗi lần các Tể tướng cho bản tấu Lý Đản đều hỏi: "Việc này đã yết kiến Thái Bình công chúa chưa?", rồi mới hỏi: "Đã yết kiến Tam Lang (Thái tử Lý Long Cơ) chưa?" Nếu Tể tướng xác nhận đã được sự cho phép của Thái Bình công chúa đồng ý thì Lý Đản mới đồng ý và vì vậy, mọi việc công chúa muốn Lý Đản đều đồng ý.
Trong triều bách quan văn võ từ Tể tướng trở xuống, hoặc là tán thưởng, hoặc là có thái độ tránh né, nhất nhất nghe theo ý của Thái Bình.
Tháng 6/710, Đường Trung Tông bị Vi hoàng hậu và An Lạc công chúa hạ độc ám sát. Vi hoàng hậu muốn nhân cơ hội đó chiếm ngôi, nhưng Thượng Quan Uyển Nhi cùng Thái Bình công chúa đã đưa di chiếu lập Ôn vương Lý Trọng Mậu làm vua, tức Đường Thương Đế.
Sau đó, Thái Bình công chúa tiếp tục dùng thế lực để phối hợp và đưa cháu trai của bà - Lý Long Cơ - lên làm vua. Nhưng Thái Bình công chúa lại không ngờ rằng sau này lại phải tranh giành quyền lực với chính người bà đưa lên ngôi và chết dưới tay ông.
Không thể trở thành Võ Tắc Thiên thứ 2
Theo các nhà sử gia, dù thừa hưởng tố chất và uy quyền của mẹ nhưng Thái Bình công chúa không được lòng dân và quần thần. Ngoài ra, sau thời gian cai trị đầy biến cố của Võ Tắc Thiên, triều đình cũng đã cảnh giác với việc một người đàn bà can dự vào triều chính. Vì vậy, Thái Bình công chúa chưa bao giờ có đủ cơ hội để có thể leo lên ngôi Hoàng đế.
Sử sách ghi lại, Thái Bình công chúa không được lòng dân vì tham tiền bạc, ung dung cướp tài sản của thuộc hạ và không màn đến lợi ích của quần chúng. Cô không được lòng quần thần vì cô dùng tiền để mua chuộc thuộc hạ, không thể trọng dụng.
Thuộc hạ của bà không quan tâm đến trị an đất nước mà chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích mà Thái Bình công chúa mang lại. Chính sự tham quyền, tham tài đã khiến công chúa thua trong cuộc chiến tranh giành quyền lực cuối cùng với Lý Long Cơ, người được chính bà đưa lên ngôi vua.
Tuổi thơ đầy sóng gió, hôn nhân rạn nứt với Tiết Thiệu sau 7 năm và đời tư phức tạp được xem là những nguyên nhân dẫn đến một phiên bản hạ cấp của Võ Tắc Thiên. Theo tương truyền, việc bị chính anh họ Hạ Lan Mẫn cưỡng bức là khởi đầu cho chuỗi ngày bất hạnh trong cuộc sống riêng tư của bà.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của Thái Bình công chúa chính là con đường lên ngôi vương và cai trị của Võ Tắc Thiên. Vì sau đó, những ý đồ can thiệp chính trường của phụ nữ từ đó trở đi đều sụp đổ, như của Vi Hậu và công chúa An Lạc.
Vì vậy, dù thông minh, tài giỏi, mưu lược tới đâu thì Thái Bình công chúa cũng không thể lên ngôi hoàng đế. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, chỉ có 1 người phụ nữ duy nhất được công nhận là Nữ hoàng đế, đó là mẹ của bà, Võ Tắc Thiên.