Trung Quốc liên tiếp hứng chịu các cơn bão mạnh trong năm 2023.
- Từ đây đến cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, cảnh báo 'bão chồng bão', áp thấp nhiệt đới dồn dập
- Cảnh báo bão Doksuri giật cấp 16, cách Phúc Kiến khoảng 310 km
Bão Doksuri ập đến vào thời điểm Trung Quốc vẫn còn quay cuồng với hậu quả của bão Talim, sóng nhiệt thiêu đốt và mưa lũ bất thường.
CBS News thông tin, lượng mưa xối xả đổ xuống thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và các khu vực lân cận trong ngày thứ ba sau khi tàn dư của cơn bão Doksuri từ từ quét qua khu vực cuối tuần trước đã gây ra trận lũ lụt tồi tệ nhất mà Bắc Kinh từng chứng kiến trong hơn một thập kỷ. Doksuri được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm này khiến hàng chục nghìn người riêng tại thủ đô Trung Quốc phải rời bỏ nhà cửa ngay trong đêm.
Cụ thể, hơn 31.000 người đã được sơ tán khỏi thủ đô của Trung Quốc vào tối Chủ nhật 30/7, Đài truyền hình CCTV đưa tin. Nửa triệu người khác ở tỉnh Phúc Kiến đã buộc phải sơ tán để tránh lũ lụt, Tân Hoa Xã đưa tin.
CNN trích thông tin từ Cơ quan Khí tượng Trung Quốc thông tin hôm 31/7 cho hay, các trận mưa trút xuống Bắc Kinh có thể phá kỷ lục. Những trận mưa lớn dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 1/8, làm gia tăng mối lo ngại về lũ lụt và lở đất nguy hiểm. Theo truyền thông nhà nước, lượng mưa trung bình ở Bắc Kinh đạt 176,9 mm từ tối thứ Bảy đến chiều thứ Hai, với lượng mưa tối đa được ghi nhận tại một trạm thời tiết ở Mentougou là 580,9 mm.
Mưa lớn ở Bắc Kinh sau bão biến đường thành sông, Reuters bình luận.
Ngày 31/7, 9 quận của Bắc Kinh được đặt trong tình trạng cảnh báo mưa bão màu Đỏ, mức cao nhất trong cơ chế cảnh báo của nước này. Ít nhất 95 cảnh báo thời tiết khác cũng đã được đưa ra trên toàn quốc.
Hàng trăm con đường đã bị ngập lụt ở thủ đô của Trung Quốc, với các video được truyền thông nhà nước đăng tải cho thấy các phương tiện bị ngập một nửa ở quận Mentougou do dòng nước lũ chảy xiết kéo theo khi tàn dư của cơn bão Doksuri trút lượng mưa kỷ lục xuống thành phố gần 22 triệu dân, Reuters cho biết.
Những trận mưa lớn dữ dội đã khiến một số tuyến đường sắt và đường cao tốc ở thủ đô Bắc Kinh phải đóng cửa tạm thời, trong khi các trường học vẫn đóng cửa và người dân được yêu cầu ở trong nhà.
Các điểm tham quan du lịch bao gồm Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành và công viên giải trí Universal đã bị đóng cửa và hàng chục chuyến bay rời khỏi hai sân bay chính của Bắc Kinh cũng bị hủy, CBS News đưa tin. Ngoài ra, công việc tại hơn 4.000 công trường xây dựng bị tạm dừng, gần 20.000 tòa nhà được kiểm tra thiệt hại và các danh lam thắng cảnh khác trong thành phố bị đóng cửa. Tính đến thứ Hai 1/8, có tới 358 con đường ở Bắc Kinh bị ảnh hưởng bởi mưa lớn.
Các nhà chức trách lưu ý rằng những trận mưa xối xả như vậy có thể san phẳng mùa màng và làm ngập các cánh đồng nông nghiệp ở vùng trũng thấp.
Bão chồng bão
Trong khi Trung Quốc chưa kịp khắc phục hậu quả sau bão Doksuri thì một cơn bão khác đang trên đường tiến tới nước này. Tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc đã triển khai các hoạt động ứng phó khẩn cấp khi cơn bão Khanun đến gần.
Khanun - cơn bão thứ sáu dự kiến sẽ tấn công Trung Quốc trong năm 2023 - dự báo sẽ di chuyển qua các khu vực Okinawa và Amami phía tây nam của Nhật Bản và hướng đến Trung Quốc trong những ngày tới.
Bão Khanun đang tập trung sức mạnh ở Thái Bình Dương và đã được Trung tâm cảnh báo bão liên hiệp (Mỹ) nâng cấp thành bão cấp 3.
Hơn 200 chuyến bay nội địa đến và đi từ các đảo Naha, Miyako và Ishigaki ở Okinawa, Nhật Bản đã bị hủy từ thứ Hai đến thứ Tư, ảnh hưởng đến gần 30.000 hành khách.
Giống như nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc đang quay cuồng với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa hè này. Các đợt nắng nóng thiêu đốt Trung Quốc đến sớm hơn thường lệ trong năm 2023; trong khi trên toàn thế giới, các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu, sức nóng đại dương và sự tan băng trên biển đã được thiết lập, CNN bình luận.
Doksuri là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Phúc Kiến kể từ cơn bão Saomi năm 2006, theo CNN Weather dựa trên thông tin sơ bộ. Cơn bão gần nhất và mạnh nhất đi qua gần Bắc Kinh là Rita vào năm 1972. Trước khi tấn công Phúc Kiến, nó đã khiến ít nhất 39 người ở Philippines thiệt mạng.
Tân Hoa Xã đưa tin, những trận mưa làm ngập những vùng đất nông nghiệp và nhà cửa rộng lớn ở Phúc Kiến, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp gần 60 triệu USD. Hơn 6.333 ha đất nông nghiệp ở Phúc Kiến bị hư hại và hơn 151 ha bị mất mùa hoàn toàn, cơ quan truyền thông nhà nước cho biết.
CNN bình luận, châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất thế giới, đang phải đối mặt với những tác động chết người của thời tiết mùa hè khắc nghiệt, khi các quốc gia phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt và những cơn mưa gió mùa kỷ lục.
Nguồn: CNN, CBS News, Reuters