Một khu vực ở Trung Quốc đã cho nổ tung đập để giải phóng sức ép nước giữa bối cảnh lũ lụt trên khắp cả nước gây ra thiệt hại khổng lồ về người và của.
- Trung Quốc: Tắm sông ở khu vực con đê, cô bé 13 tuổi bị hút vào ống thoát nước tử vong thương tâm
- Trung Quốc chi 23.000 tỷ đồng để "photocopy" ngôi làng 7000 tuổi đẹp nhất thế giới
Sau nhiều ngày mưa lớn, mực nước ở sông Trừ Hà ở tỉnh An Huy đã tăng mạnh. Để giảm tải áp lực đối với hoạt động kiểm soát lũ lụt, nửa đêm - rạng sáng ngày 19/7, chính quyền tại huyện Toàn Tiêu, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy Trung Quốc đã cho nổ hai đoạn đập phía ngoài của sông Trừ Hà.
Cụ thể, đoạn đập bị phá hủy nằm ở vị trí giao cắt giữa sông Trừ Hà và sông Tương Hà tại huyện Toàn Tiêu. Trước khi thực hiện đặt thuốc nổ, sáng ngày 18/7, địa phương đã huy động sơ tán khẩn cấp người dân, đồ đạc và nguyên vật liệu sản xuất sang khu vực khác.
Các hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy sau khi cho nổ đập, nước lũ đã chảy vào các đầm bên dưới. Theo những người trực tiếp tham gia kích nổ đập, họ đã phải làm việc miệt mài thâu đêm để lắp đặt thuốc nổ và sắp xếp các công việc liên quan. Khoảng 2h49 sáng, đoạn đập đầu tiên được kích nổ và đoạn thứ hai nổ tiếp sau đó vào lúc 3h27 sáng.
Vào ngày 18/7, chính quyền huyện Toàn Tiêu chính thức phát cảnh báo khẩn cấp cấp độ 1. Khoảng 21h cùng ngày, mực nước ở đoạn giao sông Trừ Hà - Tương Hà đạt mức 14,2m (vượt ngưỡng an toàn 0,7m), và mực nước ở thị trấn Chizhen là 14,99m (cao hơn mức kỷ lục 0,45m). Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi trời vẫn tiếp tục mưa nhiều ngày làm mực nước dâng cao, cản trở công tác cứu hộ và kiểm soát lũ lụt.
Sau khi nổ đập, mực nước đã bắt đầu giảm từ 4h sáng. Hiện tại, nước ở đoạn giao hai con sông đã giảm từ 14,39m xuống 13,83m, tức giảm khoảng 70cm, qua đó giảm thiểu hiệu quả áp lực kiểm soát lũ trên sông Trừ Hà. Theo Xi Xuejun, phó giám đốc Sở Quản lý Khẩn cấp thành phố Trừ Châu, hơn 10km2 khu vực này đang bị ngập lụt.
Thiệt hại nặng nề
Mức nước trên nhiều con sông - bao gồm sông Dương Tử - đã cao bất thường trong năm nay bởi vì mưa lớn. Việc phá hủy đập bằng thuốc nổ để giải phóng áp lực nước là cách đối phó hiếm được sử dụng và lần gần đây nhất Trung Quốc áp dụng biện pháp này là vào năm 1998, khi hơn 2.000 người tử vong và gần 3 triệu ngôi nhà bị nước lũ phá hủy.
Tuần trước, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã mở 3 cửa xả lũ khi mực nước trong đập tăng hơn 15m trên ngưỡng lũ.
Ở các nơi khác, binh sĩ và các đội cứu hộ đã phải gia cố các bờ đê bằng bao cát và đá. Ngày 18/7, lực lượng lính cứu hỏa đã hoàn tất xây đắp đoạn vỡ dài 188m ở hồ Bà Dương sau khi nước lũ từ đây gây ngập lụt 15 làng và các cánh đồng ở tỉnh Giang Tây. Hơn 14.000 người đã được sơ tán.
Mưa lũ vào mùa hè thường tấn công vùng trung tâm và miền nam Trung Quốc, tuy nhiên hiếm năm nào nước lũ nguy hiểm như năm nay. Hơn 150 người đã tử vong hoặc mất tích trong lũ lụt và lở đất.
Khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt gây ra ước tính vượt 49 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7 tỉ USD) - theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc.
Các thành phố lớn chưa thiệt hại quá nghiêm trọng, nhưng nhiều người lo ngại thành phố Vũ Hán và nhiều thánh phố trung tâm lớn ở hạ lưu các dòng sông sẽ trở thành "nạn nhân" tiếp theo của lũ lụt, ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục triệu người dân.