Lịch sử Mỹ chưa từng chứng kiến một tổng thống từ chối nhận thua cuộc. Hiến pháp Mỹ cũng không có quy định sẽ xử lí trường hợp này như thế nào.
- "Nổ phát súng đầu tiên" về gian lận bầu cử: Ông Trump tuyên bố 2,7 triệu phiếu bầu cho Trump bị xóa
- "Cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc!": Ông Trump phản ứng cực kỳ gay gắt, kiên quyết không nhận thua
Chưa từng có trong lịch sử
Tới nay, ông Trump vẫn tiếp tục phủ nhận kết quả bầu cử, yêu cầu các bang Michigan và Georgia đếm lại phiếu và đặt ra viễn cảnh rằng ông Trump sẽ không chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử Joe Biden.
Tuy nhiên, kể cả khi nhìn lại bản Hiến pháp mà các nhà lập quốc Mỹ đã tạo dựng, các sử gia cũng không thể tìm thấy câu trả lời cho tình huống này. Theo 3 nhà sử gia và 1 luật sư hiến pháp, hiến pháp Mỹ không đề cập tới trường hợp tổng thống từ chối từ chức khi hết nhiệm kỳ.
Sử gia Sean Wilents từ Princeton nói: "Không, không ai tính tới viễn cảnh một tổng thống từ chối từ chức hoặc việc cần làm trong tình huống đó. Hiến pháp hoàn toàn không ghi gì về điều này".
"Đây là điều mà không ai ngờ tới cho tới mùa thu năm nay," sử gia Jak Rakove từ Đại học Stanford nói.
Trong khi đó, Jeffrey A. Engel, nhà sáng lập Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist, nói: "Chúng tôi [sử gia] thường tự hào nói rằng: 'Đừng lo, chuyện này đã xảy ra trước đây'. Còn bây giờ, chúng tôi chỉ có thể nói rằng nước Mỹ đang chứng kiến những điều hoàn toàn mới. Tôi thậm chí còn không biết sự việc sẽ kết thúc như thế nào".
Gần đây, Engel đã yêu cầu các đồng nghiệp tiến sĩ và các trợ lí tìm hiểu về vấn đề này - xem lại tất cả các đời tổng thống từ ông George Washington tới ông Trump - để tìm "manh mối" cho những gì sẽ xảy tới.
"Họ đều nói rằng không thể tìm thấy gì cả," Engel nói.
Hiến pháp sẽ phải thay đổi?
Theo Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ tổng thống kết thúc sau 4 năm. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Washington bắt đầu chính thức vào ngày 4/3/1789. Ngày 4/3 từ đó trở thành ngày nhậm chức quy ước cho tới khi được Tu chính án 12 ấn định là ngày nhậm chức chính thức vào năm 1804. Năm 1933, Tu chính án 20 chuyển ngày nhậm chức sang ngày 20/1 và quy ước cụ thể hơn rằng nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào buổi trưa.
Điều này đã được thực hiện trong suốt lịch sử Mỹ, và "chính xác tới từng phút". Ví dụ, trong sáng ngày nhậm chức năm 1989, khi tổng thống Ronald Reagan kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 và chuẩn bị chuyển giao quyền cho Phó tổng thống George H. W. Bush, ông Reagan đã đưa mã hạt nhân cho cố vấn an ninh quốc gia Colin Powell. Tuy nhiên, ông Powell không nhận và nói rằng ông Reagan phải giữ lại mã hạt nhân cho tới lúc "không còn là tổng thống nữa" - tức là vào buổi trưa hôm đó.
Một số ứng viên thua cuộc đã tìm cách tận dụng các đơn kiện để lật ngược tình thế, ví dụ như Andrew Jackson vào năm 1824, Richard Nixon vào năm 1960 và Al Gore vào năm 2000, tuy nhiên không ai trong số những ứng viên này "thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người chiến thắng cuối cùng".
Chiến dịch của ông Biden tuyên bố nếu ông Trump từ chối rời đi vào ngày 20/1, thì "chính phủ Mỹ sẽ có quyền đuổi người xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng". Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp thông thường chứ không hề được ghi trong Hiến pháp hay bất kì luật nào.
Các nhà lập quốc Mỹ cũng từng lo ngại về việc tổng thống nắm quá nhiều quyền lực. Trong Hội nghị Lập hiến năm 1787, Alexander Hamilton đưa ra ý tưởng về việc các tổng thống sẽ nắm quyền suốt đời, nhưng khi tới phiên bỏ phiếu, đề xuất này đã thất bại với tỷ lệ 4-6.
Vậy tại sao các nhà lập quốc không nghĩ tới viễn cảnh rằng một vị tổng thống phủ nhận việc thua bầu cử? Theo sử gia Engel, đơn thuần là họ không nghĩ sẽ có một người như vậy sẽ xuất hiện trong tương lai.
"Họ không thể đoán được 2 điều: đầu tiên là một vị tổng thống dám đặt lợi ích của bản thân lên trước sự đoàn kết của đất nước. Điều thứ 2 là họ không thể tưởng tượng là có một vị tổng thống thể hiện sự coi thường rõ ràng đối với quyết định của người dân cả nước, chỉ trích và hạ thấp tính hợp pháp của nền dân chủ Mỹ và tại sao người đó không bị luận tội và cách chức từ trước đó".