Đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận tiêm trộn vắc xin AstraZeneca và Pfizer sinh đề kháng tốt, đạt hiệu quả cao.
- Tìm ra nguyên do khiến lô vắc-xin Moderna ở Nhật Bản nhiễm tạp chất: Sai sót 'khó cứu vãn' đến từ khâu lắp ráp máy móc
- Phát hiện ra một biến thể SARS-CoV-2 mới, có thể làm giảm tác dụng của vaccine, trở thành mối lo ngại 'bậc nhất' của các nhà khoa học
Theo báo Bangkok Post, Viện Nghiên cứu lâm sàng Siriraj vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy trong số nhiều liệu trình tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 đang được áp dụng ở Thái Lan, liệu trình nào bao gồm 1 liều Pfizer dùng công nghệ mRNA luôn cho kết quả tốt nhất.
Dữ liệu cụ thể như sau:
Kết hợp AstraZeneca - Pfizer (mũi 1 và 2) sinh ra lượng kháng thể IgG kháng vùng liên kết thụ thể protein gai (RBD) cao nhất - trung bình đạt 2.259,9 đơn vị BAU/ml (đây là một chỉ số đánh giá hiệu quả sinh miễn dịch của vắc xin).
Sinovac - Pfizer là 2.181,8 BAU/ml
Sinovac - AstraZeneca là 1.049,7 BAU/ml
Hai liều AstraZeneca là 278,5 BAU/ml
AstraZeneca - Sinovac là 172,1 BAU/ml
Hai liều Sinovac là 164,4 BAU/ml
Theo kết quả nghiên cứu trên, dùng Pfizer tiêm mũi 2 cho hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, việc kết hợp giữa Sinovac và AstraZeneca cũng cho kết quả tốt hơn 2 liều Sinovac hoặc 2 liều AstraZeneca. Thái Lan là nước đầu tiên trên thế giới tiêm kết hợp Sinovac - AstraZeneca để đối phó tình trạng thiếu thốn vắc xin.
Ở Thái Lan và một số nước khác, ví dụ Úc, nếu tiêm mũi 1 là AstraZeneca thì sau 4-12 tuần có thể tiêm mũi thứ 2. Khoảng thời gian này tùy thuộc vào nguồn cung vắc xin và tình hình dịch bệnh ở từng nơi.
Viện Siriraj không phát hiện trường hợp phản ứng nặng nào (hơn mức bình thường) trong các liệu trình tiêm trộn vắc xin nói trên.
Người dân Thái Lan đã tiêm 2 liều Sinovac hồi đầu năm nay có quyền được tiêm liều bổ sung bằng AstraZeneca hoặc Pfizer.
Trước đó, ngày 9/9, nhiều tờ báo của Úc dẫn nguồn tin tuần san khoa học Nature cho biết các nhà nghiên cứu của Đại học Saarland (Homburg, Đức) phát hiện việc tiêm trộn vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech sinh phản ứng miễn dịch chống COVID-19 tốt hơn khi dùng một loại.
Đây là thử nghiệm lâm sàng thứ 3 trong năm nay chứng tỏ lợi ích của việc phối trộn vắc xin COVID-19, tiếp nối các nghiên cứu của Viện Sức khỏe Carlos III (Tây Ban Nha) hồi tháng 5 và Đại học Oxford (Anh) hồi tháng 6.
Nói về phát hiện mới nhất, giáo sư Peter Collignon - chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Úc - cho rằng kết quả khá hứa hẹn nhưng cần thêm nghiên cứu về lợi ích (miễn dịch) lâu dài cũng như tác dụng phụ của việc tiêm trộn vắc xin.
"Các dấu hiệu đều khả quan nhưng chúng ta cần thu thập thêm dữ liệu từ thực tế để không chỉ dựa vào kết quả phòng thí nghiệm, và để đảm bảo không có điều gì bất thường về tính an toàn", giáo sư Collignon nhận định.
Các nghiên cứu của Tây Ban Nha và Anh được thực hiện trên lần lượt 400 và 460 người. Quy mô nghiên cứu của Đức cũng tương đương.
Đáng chú ý, thử nghiệm của Đức không ghi nhận phản ứng phụ nặng hơn của việc tiêm trộn vắc xin (so với dùng cùng 1 loại).
Tạp chí Nature nhận xét: "Các nghiên cứu cho đến nay chỉ có vài trăm người tham gia, có nghĩa là quá nhỏ để phát hiện các phản ứng hiếm như đông máu, ước tính xảy ra với xác suất 1/50.000 sau liều AstraZeneca đầu tiên, và 1/1,7 triệu sau liều thứ hai".
"Các con số trông ổn, nhưng chúng ta chưa biết hiệu quả bảo vệ lâu dài ra sao. Cần phải kiểm chứng trong thế giới thực để xem có sự khác biệt nào không, chúng tôi đang có ý định này", bác sĩ Rod Pearce, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, cho biết.