Nhiều gia đình ở Anh đang phải tìm lại di hài người thân qua đời do nhiễm Covid-19. Đó là vì giữa đại dịch toàn cầu, quy trình xử lý thi thể lại càng trở nên vội vàng và hỗn loạn.
- Nhiễm Covid-19 nhưng vẫn mở cửa hàng bán bánh, người phụ nữ khiến gần 600 người bị vạ lây
- Nữ y tá bị đánh bầm người, cắn vào mặt khi ngăn bệnh nhân mắc Covid-19 trốn khỏi khu cách ly
Thứ ba tuần trước, ngày 7/4, cảnh sát đã gõ cửa và báo cho Emylene Suelto Robertson một tin tức mà cô hằng lo sợ. Người chú Donald Suelto - y tá trong Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) - đã qua đời ở tuổi 51. Ông mất ở căn hộ nhà mình, nguyên nhân cái chết có liên quan đến Covid-19.
Điều mà Robertson không thể ngờ tới chính là hành trình đau đớn để tìm lại di hài của người chú quá cố. Giữa đại dịch toàn cầu và nước Anh đang bị phong tỏa, chú Donald không chỉ qua đời trong sự đau đớn, cô độc và thi thể còn bị xử lý thiếu trách nhiệm.
"Tôi và chồng đã tìm kiếm khắp mọi nơi" - cô Robertson cho biết. "Chúng tôi gọi cho cảnh sát, nhân viên khám nghiệm tử thi và mọi nhà tang lễ mà mình có thể nhớ đến. Nhưng không có ai đáp rằng đã thu thập thi thể của chú Donald. Gia đình của chúng tôi từ Philippines đang gọi điện hàng ngày, hỏi rằng chúng tôi đang làm gì mà chưa chuyển thi thể của chú về nhà".
"Chừng nào di hài của chú mới về nước? Hay là đã được hỏa táng hoặc chôn cất?... Người thân hỏi rất nhiều câu mà tôi không biết phải trả lời" - Robertson chia sẻ.
Đúng một tuần sau, thứ ba ngày 14/4, sau khi thực hiện hàng giờ nói chuyện điện thoại, từ cơ quan này đến phòng ban khác, cô Robertson cuối cùng đã tìm được di hài của chú. Ông vẫn nằm lại tại phòng khám nghiệm của cảnh sát ở quận Poplar, Đông London. Nhân viên điều tra vẫn chưa kịp xác nhận về nguyên nhân tử vong.
Được biết, ông Donald Suelto là y tá suốt 18 năm nay sau khi di cư từ Philippines. Ông công tác tại khoa hóa trị ở Bệnh viện Hammersmith, Tây London. Cô Robertson mô tả chú Donald của mình luôn "tràn ngập niềm yêu đời, tận tụy và quan tâm đến mọi người".
Hôm 28/3, ba ngày sau khi tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm Covid-19, ông Donald được ở nhà tự cách ly. Lúc đó, ông vẫn gọi điện video với gia đình. Trong 3 ngày tiếp theo, ông có triệu chứng nhẹ của bệnh Covid-19.
"Chú Donald đã nói rằng: Chú sẽ bị nhiễm virus mất thôi, bởi vì bệnh nhân ho ngay trước mặt mà chú không có khẩu trang để đeo" - cô Robertson nhớ lại.
Lần cuối cùng họ liên lạc với nhau là ngày 2/4, chú Donald cho biết đã uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau khi bị mất liên lạc suốt 5 ngày, Robertson đã báo cảnh sát vào hôm 7/4. Chiều hôm đó, cô nhận được thông báo rằng chú Donald thật sự đã tử vong.
"Chú của tôi qua đời với tư cách một nhân viên của dịch vụ công NHS. Và ông nhiễm virus vì thiếu dụng cụ bảo hộ. Thế nhưng gia đình chúng tôi phải khổ sở lắm mới tìm được di hài của chú. Tôi không hiểu vì sao người ta có thể vô tâm và bàng quan trước cái chết của một nhân viên y tế đến mức này" - Robertson bày tỏ.
Vết thương lòng càng bị khoét sâu khi chi phí tang lễ quá tốn kém. Gia đình và bạn bè của ông Donald Suelto đang kêu gọi cộng đồng mạng quyên góp để được san sẻ gánh nặng này.
Trong khi đó, người đại diện cho cơ sở ủy thác của dịch vụ NHS tại Trung tâm Y tế Cao đẳng Hoàng gia, cho biết: "Chúng tôi vô cùng đau lòng trước sự ra đi của ông Donald. Chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn quốc gia về việc cung cấp thiết bị bảo hộ. Ông Donald không làm việc tại khu vực chăm sóc bệnh nhân Covid-19". Theo đó, ông Donald đã không được cung cấp các vật dụng y tế này.
Bên cạnh ông Donald Suelto, nhiều gia đình khác ở Anh cũng đang hoảng loạn tìm kiếm thi thể người thân của mình.
Ông Mohamed el Aswad, 84 tuổi, đã qua đời cô độc vì nhiễm Covid-19 ở một viện dưỡng lão phía Tây London. Ông cụ vốn là một kế toán đã nghỉ hưu, không có con cháu. Người thân đầu tiên biết tin buồn về ông Aswad là cháu họ ở Dubai.
Người cháu trai tên Mohamed Morsi cho biết: "Cậu Aswad đã giúp đỡ tôi rất nhiều, từ A đến Z trong cuộc sống. Ông cũng thường hỗ trợ gia đình của mình ở quê nhà Ai Cập, và chia sẻ tài chính với họ hàng xa. Ông ấy luôn dành dụm cho những người bà con của mình".
Cũng tương tự như cô Robertson, anh Morsi muốn đưa thi thể người thân về quê nhà an táng. "Ở Ai Cập, đám tang có chi phí hợp lý. Nhưng theo tôi tìm hiểu thì tang lễ ở Anh tốn khoảng 14.000 bảng. Tôi không thể trả nổi, thu nhập của tôi chỉ đủ ăn hàng ngày".
Chính phủ Anh có chính sách hỗ trợ 1.000 bảng (hơn 29 triệu đồng) để tổ chức đám tang cho nhiều gia đình khó khăn. Tuy nhiên, dịch vụ chôn cất thường tốn khoảng 4.975 bảng, còn hỏa táng cũng tốn 3.858 bảng (từ 120 đến 150 triệu đồng).
Ngoài ra, hỏa táng bị cấm trong đạo Hồi. Do đó, anh Morsi đã lập tức gói ghém đến Anh Quốc để tìm kiếm di hài của người thân, sau đó tổ chức tang lễ cho phù hợp. Anh Morsi đang liên hệ một tổ chức từ thiện có tên Eden Care UK để lo liệu đám tang. Tuy nhiên tổ chức này cũng quá tải, cho biết tình cảnh hiện giờ "hỗn loạn như thời chiến tranh".