Indonesia đã trở thành tâm dịch COVID-19 của châu Á, với số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày ở mức kỷ lục. Điều này đã khiến cho quốc gia khu vực Đông Nam Á này đứng trước nguy cơ chìm trong khủng hoảng, trở lại trạng thái bình thường muộn nhất thế giới.
- Hàng chục nghìn ca dương tính mới mỗi ngày, người dân ở 'địa ngục Covid-19' Indonesia vẫn tụ tập ăn mừng lễ hội lớn
- Sự thật bất ngờ về tin 'đại sư Indonesia chết vì hít virus SARS-CoV-2', con trai người quá cố lên tiếng cực 'căng'
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, sức "công phá" nặng nề của vi rút gây ra bệnh là không tưởng. Mỗi ngày, số ca bệnh và số người tử vong không ngừng tăng lên. Tính đến thời điểm hiện tại, châu Á đang trở thành tâm dịch với số ca mắc khủng. "Địa ngục COVID-19 Ấn Độ" chưa hạ nhiệt thì Indonesia đã "soán ngôi" trở thành đỉnh dịch phức tạp nhất khu vực.
Hãng tin Bloomberg ngày 14/7 cho biết Indonesia đã vượt qua Ấn Độ về số ca nhiễm mới theo ngày. Sự lây lan của biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao đang khiến số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này tăng vọt.
Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày trên 40 nghìn ca trong 2 ngày liên tiếp, trong đó có kỷ lục hơn 47 nghìn ca hôm 13/7. Tổng số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 được thống kê chính thức ở nước này đến ngày 13/7 lần lượt là 2,6 triệu và 68.219. Thậm chí kỷ lục này đã khiến quốc gia này đứng đầu thế giới về số ca mắc mới.
Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần qua là do hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta.
Điều đáng báo động là số ca mắc mới hàng ngày tại Indonesia cao hơn Ấn Độ, dù dân số nước này chỉ bằng 1/5 dân số Ấn Độ. Indonesia hiện ghi nhận khoảng 132 ca mắc trên 1 triệu người, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ chỉ là 26 trường hợp. Bên cạnh đó, tỷ lệ ca tử vong trên đầu người ở Indonesia cũng cao hơn Ấn Độ: 3 ca tử vong/1 triệu dân so với chưa đầy 1 ca tử vong/1 triệu dân ở Ấn Độ.
Hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia cho biết, nếu tình trạng lây lan không giảm bớt, nó có thể đẩy hệ thống y tế của Indonesia tới bờ vực của thảm hoạ.
Một số người lo ngại tình hình thực tế còn tồi tệ hơn những con số, vì Indonesia không đủ người để tiến hành các xét nghiệm. Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố vào cuối tuần trước, gần 1/2 trong số 10,6 triệu cư dân Jakarta có lẽ đã nhiễm COVID-19.
Hãng tin Bloomberg nhận định tình hình dịch bệnh đang rất nóng tại Indonesia là minh chứng rõ rệt cho thấy hậu quả của việc phân phối vắc xin không đồng đều trên toàn cầu.
Trong khi các nước giàu có nguồn cung vắc xin dồi dào, những nước nghèo có ít cơ hội tiếp cận vắc xin hơn và phải hứng chịu các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng do những biến thể như Delta.
Trước một số lượng quá lớn các ca nhiễm như vậy, hệ thống y tế của Indonesia, về cơ bản đã bị quá tải từ lâu, không thể làm gì thêm. Cách xử lý của Indonesia lúc này là cấp thuốc cho các ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để họ tự cách ly và điều trị tại nhà.
Theo ghi nhận của hãng thông tấn Reuters, tình trạng bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh đã khiến các nghĩa trang rơi vào tình trạng quá tải. Số ngôi mộ ở đây đã tăng gần gấp 4 lần chỉ sau 10 ngày. Các nhân viên trong nhà xác, các khu nghĩa địa hoạt động hết công suất nên hầu như lúc nào cũng trong tình trạng kiệt sức.
Hiện tại, Indonesia được dự đoán vẫn chưa kiểm soát được dịch COVID-19 trong thời gian tới . Bức tranh ảm đạm này cho thấy diễn biến đại dịch tại khu vực thay đổi hẳn so với năm ngoái. Trong năm 2020, các quốc gia khu vực châu Á, trong đó có Indonesia dẫn đầu thế giới về thành tích kiềm chế dịch bệnh thì giờ đây đang chìm trong khủng hoảng, có nguy cơ trở lại trạng thái bình thường muộn nhất thế giới.