Nhờ một vài bức ảnh chụp bởi người qua đường, cuộc sống của 2 cha con Abdul đã có một sự thay đổi khó tin.
- Người đàn ông đi "giải quyết nỗi buồn" thì suýt ngất trước vật thể lạ dưới bồn cầu nhưng vẫn chưa sợ bằng câu chuyện đôi mắt bí ẩn trong quá khứ
- Chuyện kỳ quái về xác ướp công chúa không có não bộ lẫn nội tạng, hình xăm bí ẩn trên tay và cách báo thù gây ám ảnh đến ngày nay
Thời đại công nghệ kỹ thuật số, mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, có thể biến một người vô danh trở thành ngôi sao chỉ trong chớp mắt nhưng cũng mang đến không ít rắc rối. Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận nhờ có mạng xã hội mà nhiều mảnh đời khó khăn được tìm thấy và giúp đỡ. Đó là câu chuyện xúc động của người đàn ông có tên là Abdul Halim al-Attar, một người tị nạn đến từ Syria.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2016, bức ảnh Abdul bế con gái đang ngủ gật trên tay đi khắp đường phố để bán bút bi kiếm sống. Biểu cảm gương mặt của Abdul khi đó gây chú ý vì nó thể hiện sự tuyệt vọng, cùng với đôi mắt rưng rưng sắp khóc như thể đống bút bi trên tay là tất cả những gì mà 2 cha con anh có.
"Tôi thật sự tuyệt vọng, chúng tôi không hề khốn khổ thế này ở Syria. Làm sao tôi nỡ bế con gái lang thang khắp đường phố như vậy cơ chứ? Đáng lẽ ra tôi phải cho con bé đến trường học hành chứ không phải lôi nó đi khắp nơi kiếm sống cùng tôi. Tôi đã đau xé lòng khi nhìn thấy bức ảnh ấy" - Abdul chia sẻ.
Abdul cho biết anh đã chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy và quân đội Syria ở trại Yarmouk.
"Tên lửa dội xuống mà chúng tôi không biết chúng đến từ đâu. Tôi lo sợ cho tính mạng của con gái. Mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay, con bé lại trở nên hoảng loạn. Tôi không còn cách nào khác là rời khỏi trại tị nạn" - Abdul nói.
Được biết, Abdul từng làm việc tại một nhà máy sản xuất kẹo ở Damascus, Syria. Anh đã phải vật lộn để tìm việc ở thủ đô Beirut, Lebanon, một thành phố cũng đang bị bão hòa dân tị nạn, những người cũng đang tuyệt vọng tìm cách kiếm sống nuôi gia đình hệt như anh.
"Tôi không thể bỏ con gái nhỏ lại một mình. Tôi đã cố gắng nộp đơn ở nhiều nơi nhưng họ không nhận tôi bởi vì tôi cứ bế theo con bé. Vì vậy nên cách duy nhất để 2 cha con tôi được ở bên nhau là đi bán bút bi trên đường" - Abdul chia sẻ.
Công việc bán bút bi này chỉ mang đến nguồn thu nhập vài đô la một ngày cho 2 cha con Abdul. Người chụp lại bức ảnh giúp thay đổi cuộc đời của 2 cha con Abdul cho biết dù trong hoàn cảnh vất vả, người đàn ông này cũng không bao giờ từ bỏ nụ cười trên môi, tay thì bế con gái, Reem, đi khắp nơi suốt nhiều giờ đồng hồ.
"Mọi người cứ hỏi vì sao tôi cười hoài. Tôi trả lời rằng: 'Vậy thì anh muốn tôi phải làm gì bây giờ? Hay tôi phải khóc? Chúa đã ban cho tôi nụ cười thế này mà'" - Abdul chia sẻ.
Thời điểm đó, Abdul không khác gì những đứa trẻ bán hoa dạo trên đường hay những người ăn xin không khó bắt gặp trên đường phố Beirut, cho đến một ngày nọ, một người lạ đã chụp lại hình ảnh của anh.
"Tôi không hề biết mình được chụp ảnh. Tôi rất bất ngờ khi được nhiều người tìm đến với chiếc điện thoại chứa ảnh của tôi. Tôi đã hỏi họ muốn gì" - Abdul thật thà trải lòng.
Điều mà tất cả những người này muốn là mang đến cho 2 cha con Abdul một cái kết thật đẹp.
Việc bức ảnh trở nên viral khắp các trang mạng xã hội đã khiến cho không ít người, bao gồm cả cánh nhà báo, bất ngờ. Họ không hiểu được lý do vì sao bức ảnh chụp 2 cha con Abdul lại đặc biệt đến như vậy. Bản thân Abdul thì tin rằng tất cả là bởi con gái anh, Reem. Chính gương mặt ngây thơ, say ngủ trên vai cha của đứa trẻ đã chạm đến trái tim của mọi người.
Gissur Simonarson, một nhà hoạt động đến từ Oslo, Na Uy và Carol Malouf, một nhà báo người Lebanon, đã kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp, gây quỹ giúp đỡ gia đình Abdul, gồm anh và 2 con. Số tiền khi đó thu về được là 5.000 USD (hơn 115 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) chỉ trong vòng nửa tiếng. Con số cuối cùng mà họ nhận được là 190.000 USD (4,3 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Số tiền này đủ cho Abdul bắt đầu một cuộc sống mới, đầy đủ hơn với 2 con. Cả gia đình giờ đã có một căn nhà khang trang, các con của Abdul thì được đến trường học tập.
Câu chuyện không dừng lại ở đây. Abdul còn quyết tâm giúp đỡ những người tị nạn có hoàn cảnh như anh. Chỉ trong vòng 4 tháng, anh đã mở 2 nhà hàng ở Beirut, cung cấp việc làm cho 24 người tị nạn. Đồng thời, Abdul còn gửi tiền về cho người thân ở Yarmouk để họ kinh doanh và giúp đỡ cộng đồng.
Nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mà cuộc đời của Abdul đã thay đổi, thậm chí còn giúp anh trở thành người hùng trong chính câu chuyện của mình. Không chỉ biết nhận về, Abdul còn lan tỏa lòng tốt của mọi người đến với những người gặp khó khăn.
"Tôi không phải là người ăn xin. Tôi cũng chẳng đi khắp nơi để xin xỏ. Tôi chỉ là một người bán bút bi và cả thế giới đã nhìn thấy tôi" - Abdul tự mô tả về mình.