Để tâm thanh tịnh, giảm bớt phiền não, khổ đau thì chúng ta nên tu tập, vun bồi, tăng trưởng những điều lành trong cuộc đời này. Người xưa dạy rằng, có 4 quý tướng phải tu – 3 ác đức cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt để sống được bình an, cũng là tích lũy phước báu cho bản thân và cả người xung quanh.
- Đức Phật chỉ ra 3 khổ nạn lớn nhất của cuộc đời, ai vượt qua được ắt sống an nhàn hưởng phúc, kiếp sau đầu thai an yên!
- Dặn lòng ghi nhớ lời Phật dạy về những điều cha mẹ nên làm để tích phúc cho con cái
I/ Con người có 4 QUÝ TƯỚNG - Phải chuyên tâm tu
“Đoan chính trang nghiêm là quý tướng.
Khiêm nhường bao dung là quý tướng.
Làm việc có đường lối là phú tướng.
Lòng nhân hậu có thiện niệm là phú tướng”.
Đây là bốn câu khái quát về 4 quý tướng phải tu của đời người đã được danh nhân, chiến lược gia Tăng Quốc Phiên ghi lại trong nhật ký của mình một ngày tháng 3 năm Hàm Phong thứ 8 (năm 1858).
1. Quý tướng thứ 1: Đoan chính, trang nghiêm
Điều đầu tiên trong số 4 quý tướng phải tu mà Tăng Quốc Phiên đề cập tới chính là đoan chính trang nghiêm của một người. Có thể nói, trọng tâm của 4 chữ này chính là “nghiêm”.
Một người có thể làm được “nghiêm”, mới có thể thật sự đoan chính hòa nhã, tạo nên phong thái thanh tao, cao quý, và cũng tạo được thiện cảm và niềm tin ở người khác khi giao lưu cùng.
“Kinh dịch” nói: Quân tử dĩ hậu đức tái vật (người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật). Còn "Đạo đức kinh" nói rằng: đại trượng phu xử kì hậu, bất cư kì bạc (bậc đại trượng phu [người hiểu đạo] giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi).
“Luận ngữ" của Khổng Tử cũng nói: Quân tử thiếu thái độ đoan chính thì không uy nghiêm; học cũng không củng cố được kết quả. Người không trang nghiêm thì phù phiếm, không có uy, cẩu thả, không giữ được tâm mình.
Vậy tại sao nói đoan chính trang nghiêm là quý tướng?
Những người đoan chính đàng hoàng sẽ tự phát ra sự uy nghiêm; một người uy nghiêm thì sẽ không tự phụ làm càn, luôn suy nghĩ sâu sắc, sẽ không khinh suất trong giải quyết mọi việc, sẽ thận trọng trong lời nói và sẽ không tùy tiện buông lời ác khẩu khi giao tiếp.
Những người tự có trang nghiêm thì người bên cạnh cũng tự sinh ra cảm giác nể trọng họ. Càng ít đắc tội người khác thì càng ít gặp rắc rối.
Thực tế đoan chính trang nghiêm không phải cứ cố tỏ ra là được, mà đó là kết quả của cả một quá trình tu dưỡng bản thân.Vì vậy, Tăng Quốc Phiên đã nhiều lần khiển trách con trai mình, yêu cầu con phải kiềm chế sự ngả ngớn và phù phiếm của bản thân, rèn luyện cách hành xử nhiều hơn.
Theo ghi chép của các thế hệ sau, Tăng Quốc Phiên là người "có bước đi vừa chắc vừa vững, nói năng chậm rãi". Không cần phải đi nhanh, không cần nói năng hùng hổ, nhưng câu nói nào của ông cũng có sức lay động lòng người.
Vì vậy, Lữ Khôn, một nhà tư tưởng lớn trong triều đại nhà Minh, đã nói: "Đoan chính và trang nghiêm là phẩm chất hạng nhất, anh tài và xuất chúng là phẩm chất hạng hai, thông minh và tranh luận là phẩm chất hạng ba." Những người có đầu óc thông minh, ăn nói khéo léo thì chẳng qua cũng chỉ xếp hạng 3 hạng 4; những người anh hùng hào kiệt xếp hạng 2; còn người có phẩm cách đoan chính là mới nhân vật hạng nhất.
2. Quý tướng thứ 2: Khiêm nhường và bao dung
Khiêm tốn và khoan dung đối với người khác, từ góc độ làm việc mà nói, một người như vậy sẽ dễ dàng phối hợp với người khác, cũng dễ dàng được trợ giúp khi cần, có nhiều khả năng thành công hơn.
“Khiêm” là tên của 1 quẻ trong "Kinh dịch", tên đầy đủ là “Địa Sơn Khiêm”. Hình tượng của quẻ là núi ở trong đất. Đất là chỗ thấp kém, núi là cái cao cứng; cái cao cứng ở trong cái thấp kém cũng như người quân tử có địa vị cao sang biết hòa mình trong dân dã, là biểu tượng của đức khiêm tốn.
Do đó Khiêm có nghĩa là “khiêm tốn, nhường nhịn”, không tự cao tự đại. Khiêm tốn sẽ khiến cho mọi việc trở lên thuận lợi. Lúc đầu mọi việc có thể không suôn sẻ như ý, nhưng về sau do đức tính khiêm tốn mà sẽ nhận được sự trợ giúp của mọi người và cuối cùng sẽ có được thành công.
Quẻ Khiêm tiếp theo quẻ Đại Hữu là có ý nghĩa lớn, tức càng có nhiều càng phải khiêm tốn. Có nhiều càng phải chú ý đến người không có (người hầu hạ mình), càng phải chú ý đến việc chia đều, phải san bớt để đừng quá đầy, đó là “đức khiêm”. Vì vậy khiêm còn có nghĩa là chia đều, là san bớt. Những người có tài năng ưu việt, địa vị cao sang đều phải chú ý đến đức khiêm mới mong lâu bền và tỏa sáng.
Khoan dung có nghĩa là độ lượng, độ lượng, độ lượng với người, vật, lời nói. Trong giao tiếp giữa các cá nhân, lòng khoan dung là một chất bôi trơn thiết yếu. Tăng Quốc Phiên đã dạy chúng ta như thế này: Phước không thể cạn, sức không thể cạn.
Người xưa có câu rằng: “Trời trên cao không nói mình cao nhưng thực rất cao. Đất ở dưới không nói mình sâu nhưng thực rất sâu”. Người quân tử cư xử khiêm nhường nhưng luôn được người khác kính trọng, nể phục.
Một số người có tính tự đại, họ thích khoe khoang và luôn lo sợ rằng người khác không biết họ tài cán thế nào. Thực ra, họ không tài cán chút nào cả.
Những người có kiến thức và biết cách cư xử sẽ không bao giờ thể hiện mình. Nếu một người thật sự có tài năng, người khác sẽ tự nhận ra điều đó mà không cần người kia nói gì cả.
Người ta vẫn thường nói: “Hoa mai luôn lặng thinh. Nhưng từ xa xưa người đời luôn mê mẩn trước vẻ đẹp của chúng. Để tận mắt chiêm ngưỡng loài hoa này, bao bước chân đã hằn lên con đường mòn”.
Người quân tử chân chính cũng giống như ngọc và sắt. Họ có tấm lòng khoan dung độ lượng có thể tiếp nhận trăm sông, nhưng tấm lòng của họ luôn luôn kiên định, thủy chung không bao giờ dao động về phương hướng mà bản thân đã lựa chọn.
Tâm chi phối con người. Người có nội tâm khoan dung và tính cách khoáng đạt dù là ở trong thuận lợi hay gặp phải khó khăn cũng đều có thể điềm tĩnh, an hòa. Con đường nhân sinh của họ càng đi sẽ càng trở nên rộng mở.
Vậy nên khiêm nhường và bao dung chính là một quý tướng mà ai cũng cần tu.
3. Quý tướng thứ 3: Làm việc có đường lối
Nét quý tướng thứ 3 chính là làm việc có đường lối, có kế hoạch, điều này sẽ giúp giữ được trạng thái bình tĩnh và sáng suốt trong mọi tình huống. Mọi việc làm từ đầu đến cuối, có đầu có đuôi, không chỉ là một việc nhỏ cần sự chăm chỉ, mà còn cần sự kiên trì bền bỉ.
Trong kinh doanh, nhiều người mong làm giàu chỉ sau một đêm, nhưng lại chê việc kiếm lời từ những việc nhỏ, không biết tích tiểu thành đại, càng không biết muốn giàu có thì phải tích lũy theo thời gian.
Nhiều người không biết tiết kiệm tiền bạc, chỉ thích tiêu xài hoang phí. Dù có kiếm ra nhiều tiền, cuối cùng vẫn dẫn đến cuộc sống không có sự đảm bảo về tài chính.
Có người hùng hồn tuyên bố phải thành công, nhưng lại làm không xong việc này đã bỏ xuống làm việc khác mà không hiểu rằng sự nghiệp bắt đầu từ những việc nhỏ, danh tiếng cần phải tích lũy.
Những người thành công thường là những người kiên trì bền bỉ, làm việc chăm chỉ. Làm việc không có đầu có đuôi, vừa gặp chút khó khăn đã nản chí thì mãi không thể có được thành công. Muốn kiếm được tiền thì không được sợ vất vả.
4. Quý tướng thứ 4: Nhân hậu, có thiện niệm
Quý tướng thứ tư, làm người cần phải có lòng khoan dung độ lương, phải có lòng từ bi thiện niệm. Giúp đỡ người khác thật ra cũng là giúp đỡ chính mình.
Giữ điều tâm nghĩa là biết quan tâm đến “ngoại vật”, bao gồm quan tâm đến người khác, quan tâm đến xã hội và quan tâm đến thế giới. Người như vậy, dù cho không giàu có về mặt vật chất, nhưng lại giàu có về mặt tinh thần, sẵn sàng cho đi, bản thân điều này đã đủ chứng minh đây là người có phúc khí.
II/ 3 điều ÁC ĐỨC – Phải loại bỏ khỏi cuộc đời
Bên cạnh 4 quý tướng phải tu, Tăng Quốc Phiên cũng chỉ ra 3 điều ác đức cần sớm loại bỏ khỏi cuộc đời. Đó đều là những điều đúc rút ra từ chính những sai lầm tuổi trẻ của ông.
1. Ác đức thứ 1: Kiêu căng, ngạo mạn
Một khi con người có tâm kiêu ngạo, nhất định sẽ buông lỏng cảnh giác về mọi mặt, tai họa và thất bại tất yếu sẽ kéo theo. Kiêu ngạo là con đường tự hủy diệt mình, cho nên cổ nhân nói kiêu ngạo nhất định phải bị đánh bại.
Tăng Quốc Phiên cho rằng, ngạo mạn là biểu hiện không chín chắn còn nghiêm trọng hơn việc nói nhiều. Những người kiêu ngạo đều rất tự cao, để thể hiện điểm mạnh của mình, chắc chắn sẽ dẫn đến mọi ganh ghét, đàn áp và đấu đá lẫn nhau. Vì vậy ông khuyên học trò rèn luyện tính điềm đạm, hướng nội và cẩn trọng.
Một học giả khác, Vương Dương Minh nói: “Người làm con kiêu ngạo, chắc chắn không thể hiếu thuận; người làm em kiêu ngạo, chắc chắn không thể tôn trọng anh trai”. Một người tự cao, kiêu ngạo thì sẽ không có bất cứ mối quan hệ giao tiếp hay quen biết gì cả, không chỉ như vậy, mà họ thậm chí còn không thể xử lý tốt các mối quan hệ cơ bản nhất như mối quan hệ với cha mẹ, vợ chồng, và anh em.
Người xưa dạy, người, khi một người đến tuổi 20 mà vẫn không ngông cuồng, người này không có tích sự gì cả; đến 30 tuổi rồi mà vẫn còn ngông cuồng, thì cũng là vô tích sự. 20 tuổi đang là độ tuổi tự mãn của tuổi trẻ ngông cuồng, vì thế sẽ không ai trách móc tính ngông cuồng đó, mọi người đều sẽ khoan dung, bởi vì thanh niên trẻ tuổi mới bước chân vào đời, vốn dĩ không biết trời cao đất dày là gì.
Nhưng nếu như đã 30 tuổi rồi mà vẫn còn ngông, kiêu ngạo, thì người này vẫn chưa chín chắn, có sự khác biệt rất lớn về mặt tâm trí. Kiêu ngạo, tự mãn chính là cội nguồn của thất bại, tranh đoạt, tị hiềm.
Ở một mức độ nào đó có thể nói rằng, nhiều sai lầm mà Tăng Quốc Phiên mắc phải thời trẻ đều bởi ông quá ngạo mạn và nói nhiều, nhưng sau sự việc ông đều có thể nghiêm túc tự xét lại mình, sửa sai một cách nghiêm túc, cuối cùng đã thành tưu được nhân cách của mình. Vậy nên “hung khí đẩy người ta đến chỗ thất bại” mà Tăng Quốc Phiên nói đến đều là lời răn dạy quý báu được tổng kết ra từ trong kinh nghiệm đời người của ông.
2. Ác đức thứ 2: Nói nhiều lời dư thừa
“Giới cấm đa ngôn” (kiêng nói nhiều) của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ một sự việc nhỏ, khi ông mới bước vào hàn lâm viện chưa được bao lâu, đường làm quan rộng mở, vậy nên không khỏi có phần tự mãn trong tâm.
Một lần nhân tổ chức buổi tiệc chúc thọ cha mình, Tăng Quốc Phiên lúc uống rượu trò chuyện với chúng bạn đến chơi đã không khỏi huyênh hoang khoác lác, thật đúng là đắc ý mà quên cả thân mình, kết quả khiến cho đám bạn phản cảm, giận dữ bỏ đi.
Sau sự việc này khiến Tăng Quốc Phiên hối hận vô cùng, trong nhật ký của mình, ông đã tự xét bản thân mình có ba lỗi lầm lớn. Một là lúc bình thường luôn tự cho mình là đúng; hai là nói năng không có chừng mực, nghĩ đâu nói đó; ba là rõ ràng là mình đã nói năng đắc tội với người ra, thế mà vẫn còn tranh cãi với người, thậm chí đến bước không hợp với đạo làm người nữa.
Về sau, Tăng Quốc Phiên đã đặt ra “giới cấm đa ngôn” này, và nó đã trở thành gia huấn quan trọng của gia tộc, ông luôn truyền thụ đạo lý này cho con em trong nhà.
Bản chất của “giới cấm đa ngôn” là khi đứng trước người và sự việc, cần phải tự kiểm soát được mình, tránh họa từ miệng ra, nói năng tùy tiện. Về bản chất, đây là một hành động lý trí gặp việc không vướng bận, bớt lời tranh cãi vẫn là hơn.
Nếu dùng lời nói có thể áp chế được người ta, dù bạn thắng rồi, cũng không khiến người ra tâm phục khẩu phục. Vậy nên, trong đối nhân xử thế khiêm tốn một chút vẫn tốt hơn. Không cần phải khoe khoang ánh hào quang của mình khắp mọi nơi. Như vậy không những không soi sáng được người khác, ngược lại còn tổn thương nguyên khí của mình.
Tăng Quốc Phiên đã từng tự xét lại mình: bản thân ngay đến cả đạo lý “không nói lời tổn thương người khác, thì những lời phẫn nộ sẽ không trở lại thân mình” được nói đến trong Lễ Ký, vốn là tiêu chuẩn của một trí thức Nho gia cũng không thực hành được, ngay cả phương diện lời nói cũng không làm được tốt, thế thì còn có thể thành được đại sự gì nữa đây?
Ba hoa, khoác lác là đặc điểm dễ nhận thấy ở những người thích nói suông và thường hay mạnh miệng. Trong mắt của Tăng Quốc Phiên, ông coi đây là "thói xấu của văn nhân" hay "bản sắc của thư sinh".
Vị quan này nhận định, khuyết điểm chí mạng của những người trí thức nằm ở chỗ họ thường quá tự tin với vốn chữ nghĩa của mình, từ đó cho rằng mọi chuyện trong thiên hạ đều dễ giải quyết, vì vậy mà thường xuyên đưa ra những lời bàn luận sáo rỗng, thiếu chừng mực, nói những câu khiến người khác không yên lòng.
Tăng Quốc Phiên cũng chỉ rõ, kiểu người chỉ thích nói lời "đao to búa lớn" mà không có thực lực thì tuyệt đối không thể dùng. Ngược lại, những người ít nói mà dùng hành động để chứng minh mới là người đáng để trọng dụng.
3. Ác đức thứ 3: Bất chấp thủ đoạn
Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của bản thân cũng là một trong 3 điều ác đức cần phải loại bỏ.
Theo Tăng Quốc Phiên, phàm người làm chuyện gì cũng luôn muốn đi đường tắt, dùng thủ đoạn, chính là một biểu hiện của sự thiếu chín chắn.
Bởi vì trên đời này có những chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng gặt hái được kết quả như mong muốn, đôi khi cần phải bỏ một phần sức lực mới có thể nhận lại một phần thành quả.
Những người luôn muốn đi con đường tắt, một là lười biếng, hai là tâm lý thích dùng thủ đoạn để đạt được lợi ích luôn thường trực, cuối cùng rất khó thành tựu được chuyện lớn.
Ông dặn hậu thế trăm năm sau rằng: “Kiên kỳ chí, khổ kỳ tâm, lao kỳ lực, vô sự đại tiểu, tất hữu sở thành”. Câu này có nghĩa là: Chỉ cần kiên định ý chí, khổ luyện tâm trí, dốc sức làm việc, dù việc lớn hay nhỏ cũng đều làm thật tốt, thì chắc chắn sẽ có thành tựu.