Câu chuyện của cặp vợ chồng này đang tạo thành chủ đề tranh cãi khá gay gắt.
- Nhận cuộc gọi của chị chồng lúc nửa đêm, tôi hoảng loạn vội chạy về cứu chị, có ngờ đâu chị lại "dính" phải tình huống ngang trái vậy
- Giấu vợ định cho bố mẹ 30 triệu, ngày về quê, tôi ngơ ngác nhìn cảnh tượng trước mắt
Không thể thỏa thuận hay thống nhất chuyện về ăn Tết ở quê nội hay ngoại, hoặc sẽ về quê nào trước là vấn đề khiến không ít cặp vợ chồng nảy sinh chuyện không vui, làm mất hòa khí gia đình trước thềm xuân đến.
Thời điểm này, chủ đề về quê ăn Tết được mọi người đặc biệt quan tâm. Nhất là với những cặp vợ chồng sống xa quê, cụm từ "về quê ăn Tết" trở nên hết sức quan trọng và ý nghĩa. Đây là thời điểm lý tưởng để mọi thành viên trong gia đình sum họp, vui vầy sau một năm xa cách; là dịp để con cái thể hiện đạo lý hay bày tỏ tình cảm với người thân.
Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng còn bất đồng trong việc chọn đón xuân ở quê vợ hay quê chồng, thậm chí họ đã đẩy vấn đề trở nên nghiêm trọng, để rồi đón một cái Tết kém vui.
Như câu chuyện chị H.C, một bà mẹ bỉm sữa chia sẻ mới đây đã thu hút sự quan tâm, bàn luận của dân mạng.
Theo đó, chị H.C và chồng kết hôn hơn 3 năm, chồng chị là con trai trưởng trong gia đình. Mọi năm gia đình nhỏ của chị H.C thường đón Tết ở quê chồng, nhà ngoại ở xa nên năm nào chị cũng phải đợi đến mùng 4 Tết mới được về nhà bố mẹ đẻ chúc Tết.
Năm nay, cậu con trai đã tròn 2 tuổi, lại xa quê gần một năm vì dịch bệnh nên chị H.C rất mong ngóng đến Tết để được về thăm quê, thăm bố mẹ.
Chị quyết định ngỏ lời với chồng, mong muốn năm nay chồng sẽ đồng ý về ngoại ăn Tết sớm hơn thường lệ.
"Chồng mình là con trưởng nên năm nào nhà mình cũng ở nội đón Tết, sắm sửa chuẩn bị cúng Tất niên, bày mâm cỗ các thứ xong xuôi, ăn Tết nội đến mùng 4 mới khởi hành về ngoại.
Năm nay gần một năm rồi mình chưa về ngoại do dịch bệnh, con trai lại nhỏ quá, mấy năm bầu bì con nhỏ đều ở Nội ăn Tết.
Nên Tết này mình xin phép chồng về ngoại từ mùng 2, sớm hơn mọi năm 2 ngày, mình biết anh là con trai trưởng, không thể vắng mặt từ trước Tết được nên mới đề nghị ngày mùng 2 đi ngoại, chứ đợi mùng 4 thì hết Tết mất rồi!" - H.C kể
Chị H.C đã suy nghĩ rất thấu đáo mới ngỏ lời với chồng. Thế nhưng, câu trả lời của anh chồng lại khiến bà mẹ bỉm sữa cùng hội chị em lắc đầu ngán ngẩm.
Theo đó, chồng chị H.C lập tức phản đối lời đề nghị của vợ, còn hỏi ngược lại vợ rằng đã biết chồng là con trưởng sao còn đòi về ngoại ăn Tết?
Câu chuyện sau khi được chị H.C chia trẻ trên trang Tiktok cá nhân đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm, bàn luận của netizen.
Không thống nhất chuyện ăn Tết quê nội hay quê ngoại: Khó ở lòng người
Ngày Tết là dịp sum họp gia đình một cách trọn vẹn nhất. Con cháu xa gần đều tề tự về nhà, có cơ hội gắn kết tình thân, cùng nhau thể hiện trách nhiệm, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, bố mẹ.
Với những cặp vợ chồng "hai, ba quê", việc chọn nơi ăn Tết là một quyết định nhạy cảm, vì ai cũng muốn được vui xuân ngay tại quê hương mình.
Nhưng việc ăn Tết ở đâu không khó để quyết định, nếu khó chỉ có thể là do lòng người.Như anh chồng trong câu chuyện trên, nhiều người khẳng định anh ta đúng chuẩn "gia trưởng" chứ không chỉ là con trưởng.
Hội chị em cảm thấy bức xúc thay chị H.C trước phản ứng của chồng chị:
"Chị có đủ dũng cảm để nuôi con một mình không? Chứ chồng gia trưởng, ích kỷ thế này có lẽ không sống được!";
"Theo mình cứ Tết nội một năm, Tết ngoại một năm, ai cũng có quê hương, có gia đình, muốn đón giao thừa với bố mẹ mình chứ sao chỉ biết có cảm xúc của mình thế?";
"Bạn đọc bình luận của mọi người có thể tủi thân, chạnh lòng nhưng phải thay đổi thôi. Nếu anh ta không thay đổi thì đổi chồng, chứ chồng mình đây cũng con trưởng nhưng cứ một năm Tết nội, một năm Tết ngoại"
Thậm chí, cánh mày râu nhiều người cũng cho hay dù là chồng, là con trai trưởng trong gia đình, họ cũng không thể bênh vực được ông chồng này.
Chị H.C cho hay, chị rất cám ơn những lời khuyên, động viên, chia sẻ của mọi người: "Năm nào cũng vậy, lấy chồng xa nhà, cứ đến tết là lại nặng lòng lắm. Nhưng không biết nên làm thế nào, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mình gặp như thế nào thì đành chịu vậy thôi".
Chuyện đón Tết ở quê nội hay quê ngoại vốn dĩ không khó để các cặp vợ chồng bàn bạc, thống nhất. Có chăng cái khó là ở lòng người, tư tưởng của mỗi người, đã vô tình làm "lệch cán cân" sum vầy, hiếu đạo khi Tết đến, xuân về.