Tết đến, ai ai cũng mong ngóng được quây quần đón Tết đoàn viên cùng gia đình. Và như mọi khi, câu chuyện ăn Tết bên nội hay Tết bên ngoại trong mỗi nhà lại được bàn luận rôm rả!
- Phát hiện 6 quyển sổ chi tiêu của vợ, tôi vội đưa hết tháng lương cho cô ấy giữ, nào ngờ lại nhận được câu nói lạnh lùng
- Vợ quyết định hiến thận cho tôi nhưng nghe cuộc nói chuyện giữa cô ấy và mẹ đẻ, tôi buồn vô hạn
Trên một diễn đàn lớn hay tám đủ các chuyện gia đình, năm nay vẫn như các năm trước, lại dậy sóng câu chuyện con gái đi lấy chồng xa thì ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại.
Có nhà nhưng không được về!
Đấy là cái tựa thê thảm của một câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn.
Trích:
Mình đi làm dâu được 4 năm, năm nào cũng ăn Tết nhà chồng. Mỗi năm chỉ tranh thủ dịp 30/4 về thăm bố mẹ ruột được một lần. Ba mẹ chồng thì một năm cỡ ba bốn lần và Tết sẽ ở nhà chồng.
Năm nay dịch bệnh phức tạp, cả năm mới về nhà chồng được hai lần, còn nhà mẹ đẻ thì chưa. Ba mẹ chồng mới bảo: "Thôi năm nay con T về nhà mẹ đẻ mà ăn Tết, một mình chồng mày về nhà với ba mẹ là được rồi. Đi cả năm không về chắc ông bà bên ấy cũng trông lắm".
Mình mừng lắm, vội gọi điện báo cho mẹ, mẹ mình cũng mừng, hai mẹ con lên kế hoạch biết bao nhiêu thứ. Đùng một cái, buổi tối bố mình gọi điện, câu đầu tiên là:
- Mày mà về đây, tao phang chết!
Lý do ông bố đòi phang chết con gái là thế này: Chồng cô là con trai một, nên theo ông, Tết nhất con dâu phải ở nhà chồng lo phụ dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị Tết. Nếu về ăn Tết với mẹ đẻ thì mẹ chồng đâm ra ghét bỏ, sau này có muốn sống tốt cũng không được.
Hóa ra ông bố là vì thương con quá nên tính toán được mất đường dài cho con. Nhưng là thương yêu và tính toán theo những quan điểm cổ hủ của ông, không phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Trước khi bàn những chuyện sâu xa hơn, xin hỏi nhanh các bạn đang đọc bài này một câu. Các bạn có biết Luật bình đẳng giới đã được ban hành ở Việt Nam từ 16 năm nay rồi không?
Thời gian có hiệu lực của bộ luật này đã bằng tuổi của không ít bạn, là cả một thế hệ rồi đấy. Ngoài kia thế giới đã bắt đầu thực hiện internet vạn vật. Thế mà tại sao ở đây chúng ta vẫn còn ngồi ở đây bàn đến những điều lạc hậu đến thế này?
Từ quan niệm đàn ông thượng đẳng
Nếu dùng lý trí phân tích, chúng ta sẽ thấy cái rắc rối ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại thực ra chỉ gồm ba nguyên nhân như sau.
1. Ăn Tết ở nhà nội khổ, việc nhà nhiều và vất vả mà quan niệm gia đình đổ hết lên đầu con dâu.
Cách giải quyết: Mọi người cùng làm, tính toán chia nhỏ việc và phân công việc hợp lý cho từng người từ sớm. Thuê người giúp việc.
2. Ở nhà nội phải khép nép ý tứ giữ gìn, lên cầu thang phải tính từng bước chân, cắt ớt làm nước mắm phải hỏi ý mẹ chồng. Cho dù ở đâu cũng phải làm việc nhà thì ở nhà ngoại vẫn thoải mái nhất. Làm sai bị mẹ mắng cũng cười hi hi là xong hết.
Cách giải quyết: Hai bên (gia đình chồng với con dâu tương lại, hai gia đình thông gia tương lại) nên gặp gỡ nhau nhiều trước khi cưới về, dù sẽ ở chung hay ở riêng. Chủ động tìm hiểu cách sống và văn hóa của bên kia một cách thân tình và cởi mở. Chia sẻ thẳng thắn các yêu cầu và thói quen sinh hoạt của nhà mình và cố gắng thích nghi với các thay đổi nếu nó tốt hơn. Cố gắng tạo thiện cảm giữa cả hai gia đình thậm chí cả hai gia tộc không chỉ vì mối quan hệ thông gia mà nên coi đó là một cơ hội để mở rộng các mối quan hệ thân tình và bền chặt. Quan hệ giữa hai bên càng chân thật và hòa hợp thì con dâu hay con rể càng dễ cảm nhận được sự yêu thương và chấp nhận. Cuộc sống chung vì vậy càng thoải mái hơn cho cả hai bên.
3. Quan niệm cổ hủ "Con gái đi lấy chồng là bát nước đổ đi", "Con gái đi lấy chồng về nhà là khách". Đáng ngạc nhiên, quan niệm này lại đến từ nhiều ông bố.
Trong hai năm 2018-2019, Trung tâm nghiên cứu xã hội ISDS đã thực hiện một nghiên cứu về nam giới và nam tính Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới và nam tính ở Việt Nam, được thực hiện với hơn 2.500 nam giới trong độ tuổi lao động sống ở Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa và Hòa Bình.
Nghiên cứu rút ra một số kết luận đáng kinh ngạc:
"Cứ 3 người nam giới được hỏi thì có 2 người cho rằng phụ nữ nói chung không có khả năng làm việc như nam giới. Trong suy nghĩ của nam giới Việt Nam, vai trò chủ yếu của phụ nữ là chăm sóc và làm việc nhà, phụ nữ không có khả năng làm việc dưới áp lực cao, không đủ năng lực trở thành người lãnh đạo, phụ nữ phải ưu tiên gia đình và hy sinh cho hạnh phúc của gia đình."
Thậm chí có đến hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm "thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp". Hơn 82% nam giới cho rằng "phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp", "phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình". Hơn 84% nam giới đồng ý rằng phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng và đơn giản.
Những phát hiện này cho thấy số đông nam giới Việt Nam tin rằng năng lực làm việc của phụ nữ kém hơn đàn ông, và phụ nữ nên hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo gia đình và hỗ trợ cho thành công của người chồng.
Cho nên đằng sau việc ông bố lứa tuổi 60 dọa phang chết con gái nếu nó về nhà ngoại ăn tết còn là suy nghĩ xem thường con gái của chính ông. Ông nghĩ con gái ông lấy chồng xa nên phải nhìn sắc mặt mẹ chồng mà sống, và ai bảo nó là con gái, nên toàn bộ công việc nhà dù vất vả mấy nó cũng phải gánh.
Ở Việt Nam, thực ra phụ nữ mới chính là phái mạnh
Tôi xin chế nhẹ một truyện hài hước như sau:
Nhà báo hỏi anh mới cưới vợ vụ phân công việc trong gia đình. Anh chồng vung tay: Tất cả những việc lớn tôi quyết. Việc nhỏ vợ quyết.
Nhà báo hỏi: Thế việc nào là việc lớn?
Anh chồng: Thì làm nhà này, tậu trâu này, cưới vợ cho con này….
Nhà báo: Làm mấy cái nhà rồi?
Anh chồng: Chúng tôi ở chung cư.
Thật rất kỳ lạ khi đàn ông Việt Nam luôn mặc định mình là phái mạnh, nhưng tất cả công việc thường xuyên và vất vả để duy trì một gia đình lại nhường cho vợ làm tất!
Vẫn nghiên cứu nói trên của Viện ISDS cho thấy phụ nữ Việt Nam đang phải gánh nhiều công việc hơn đàn ông đến mức nào. Theo đó:
Tỷ lệ phụ nữ phải lo việc nấu ăn hàng ngày trong gia đình so với đàn ông: 61,5%.
Giặt giũ: 62,3%.
Dọn dẹp nhà cửa: 57,6%.
Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái cũng chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm.
Những phụ nữ nói trên vẫn đang đi làm việc kiếm tiền mất nhiều năm trời để mang thai, nuôi con sơ sinh, chăm sóc con những năm đầu đời chăm sóc các cháu khi con cái lập gia đình chăm sóc chồng khi cả hai về già.
Ối giời ơi!
Rất rõ ràng là chúng ta phải xác định lại một "chân lý" tưởng đã bất di bất dịch. Đó là: ở Việt Nam, phụ nữ mới chính là phái mạnh!
Quay về với ông bố. Ở lứa tuổi 60, có thể do đã hấp thu tư tưởng trọng nam khinh nữ một cách vô thức khi còn bé tí từ môi trường xung quanh, nên ông tiếp tục áp đặt nó lên con gái mãnh liệt như vậy mà không nghĩ rằng bản thân đang bất công vô cùng với con gái mình. Nhưng đến lượt cô gái, nếu không tự nhận thức được hết sức minh bạch sự bất công ấy thì có không ít khả năng cô sẽ lặp lại ý thức hệ đó trong cách giáo dục con cái của mình.
Do vậy, mặc dù bề ngoài có thể gây nên những trận cười như câu chuyện con dâu tìm mọi cách không ăn Tết nhà chồng vì phải quần quật một mình làm cỗ Tết và rửa toàn bộ bát chén khi ăn xong, nhưng gốc rễ của việc ăn Tết nhà nội hay ăn Tết nhà ngoại không hài hước và có vẻ dễ cho qua như vậy.
Về bản chất, nó rất đáng sợ và phải được chính những người trong cuộc nghiêm túc nhìn nhận. Vì "về thực chất, những quan niệm này củng cố ưu thế và đặc quyền của nam giới đối với phụ nữ, hạn chế các cơ hội nâng cao quyền tự chủ về kinh tế của phụ nữ và biện minh cho sự phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc cũng như trong gia đình và xã hội (theo ISDS).
Một lần nữa xin hỏi các bạn đang đọc bài. Các bạn có biết Luật bình đẳng giới của Việt Nam viết gì ngay ở điều khoản đầu tiên không?
Đó chính là:
"Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới".
Bạn thấy đấy, pháp luật đã quy định từ rất lâu. Nhưng muốn có công bằng thì chính bạn phải là người chủ động thực hiện nó cho cuộc đời của mình.