Hái lộc đầu năm không nhất thiết phải hái lộc bằng cách bẻ cành cây ở đền, chùa, mà có nhiều cách khác nhau để thu hút may mắn, tài lộc.
- Đừng quên lì xì cho 3 con giáp sau đây để hưởng 'ké' tài lộc của họ
- Ngày mùng 1 Tết: Ngày đầu năm mới, con giáp nào nhận được tin vui về tài chính - cả năm GIÀU CÓ?
Theo nếp của người Việt xưa nay, cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà.
Tuy nhiên những năm gần đây, sự biến tướng của tục lệ này dẫn tới nhiều cảnh không hay, phản cảm như: người dân đua nhau chặt cành cây to mang về nhà, phá hủy môi trường, thậm chí là nhổ cả cây non mang về.
Vậy làm thế nào để vừa giữ được tục lệ tốt đẹp này, vừa không gây hủy hoại cảnh quan môi trường?
Nguồn gốc của phong tục hái lộc đầu năm
Theo truyền thuyết xưa kể lại, vào thời vua Hùng, một ngày đầu xuân nọ, khi ấy các con đã lớn khôn, vua Hùng bèn cho với các Lạc hầu, Lạc tướng cùng các con của mình đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã lớn và trưởng thành, nên giúp sức cho nước cho dân. Ta muốn các con hãy dùng trí tuệ và sức lực của mình đi dạy cho muôn dân làm ăn sinh sống, các con làm người đứng đầu trấn cứ các nơi, giữ bình yên cho dân chúng yên tâm cày cấy.”
Nghe lời vua cha phán truyền, tuy các vương tôn hoàng tử đều hiểu lý lẽ việc mình phải làm song phần nào đó cũng không khỏi lưu luyến mẹ cha. Mọi người chưa biết làm sao cho phải thì Hoàng hậu đã thưa rằng: “Tâu bệ hạ, các con đều luyến mẹ thương cha, về nghĩa hiếu không muốn đi xa nhưng về nghĩa nước thì không thể trái lệnh Người. Để cho hợp lòng tất cả, khẩn cầu bệ hạ hãy làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con. Các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì cứ thế mà y lệnh.”
Vua Hùng thấy thế là phải bèn chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ tới lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Tới khi trời sáng, mặt trời đã ló rạng đằng Đông, Vua bèn gọi các con lại chia cho mỗi người một cành lộc mà dạy rằng:
“Non ở nhà, già đi ấp.
Chẵn lên non, còn xuống biển.
Các con hãy nghe lời Vua cha căn dặn, mang cành lộc này đi trấn giữ ở các phương, răn dạy dân chúng làm ăn sao cho ai ai cũng được no ấm. Trên đường đi khó tránh khỏi hiểm nguy, nếu lỡ như gặp phải chuyện không may, các con nhớ cầm cành lộc còn đượm hơi sương này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà đều phải sợ hãi bỏ chạy, không ai có thể hại được các con.”
Vâng lời Vua cha, các vương tôn hoàng tử quỳ lạy tiễn biệt cha mẹ, nhận lấy cành lộc rồi chia nhau đi trấn giữ các miền. Vua cả mừng, truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.
Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm của lịch sử, nét đẹp này vẫn được người dân lưu truyền lại qua các đời. Hái lộc đầu năm đã trở thành phong tục ngày Tết không thể thiếu trong truyền thống văn hóa Việt.
Ý nghĩa phong tục hái lộc đầu năm
Theo quan niệm dân gian, vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ hoặc vào sớm ngày mùng một Tết, nếu thành tâm xin một cành lộc nhỏ ở đền chùa miếu mạo sẽ được Thần Phật phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn trong suốt cả năm. Cành lộc không cần to lớn mà chỉ cần là cành rất nhỏ của những cây xanh có sức sống mạnh mẽ như cây sanh, cây si, sung, đa… Xin lộc ở cây như vậy tượng trưng cho việc mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.
Ngoài ra, việc xin lộc ở đền chùa còn mang ý nghĩa xin thêm sức mạnh của thần linh để chở che cho bình an của cả đại gia đình. Tuy cũng có nơi người dân hái lộc ngoài đường mang về nhà nhưng theo quan niệm, lộc ở chốn linh thiêng cũng có quyền năng lớn hơn những cành lộc bình thường.
Trong không khí thiêng liêng của phút giao thừa, giữa trời đêm se lạnh, đứng giữa sân chùa trang nghiêm cùng vườn cây đang không ngừng sinh sôi nảy nở, tĩnh tâm nhìn lại cuộc đời, nhìn lại chính mình sẽ cho con người ta những xúc cảm riêng, trao cho chúng ta niềm hy vọng bất tận về tương lai. Lộc ở đây không chỉ là tài lộc, còn là may mắn bình an, của sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành dù có khó khăn, khắc nghiệt đến thế nào. Sau cơn mưa trời lại sáng, tương lai xán lạn và nhiều điều bất ngờ đang chờ đón chúng ta phía trước.
Hái lộc đầu năm thế nào cho đúng?
Có nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa cổ truyền đẹp như vậy nhưng theo thời gian, tục hái lộc đầu năm của người dân đất Việt đã bắt đầu xuất hiện những xu hướng biến tướng, tạo ra những hình ảnh không hay. Người dân thay vì xin cành lộc rất nhỏ ở đền chùa thì đua nhau chặt cành bẻ lá, cây càng to càng tốt, thậm chí cá biệt có người còn nhổ cả cây non về nhà.
Điều này phần nhiều là do người dân chỉ hiểu được phần ngọn của tục lệ mà chưa hiểu rõ về phần gốc. Người ta chỉ biết rằng đầu năm hái lộc là mang cành lộc về nhà, còn phàm cành lộc ở đâu, có kích cỡ như thế nào, là cành lộc của cây nào thì không hề quan tâm. Vậy làm thế nào để phong tục này không bị thất truyền, cũng không bị biến tướng đi thành hủ tục?
Nhiều chuyên gia phong thủy cho rằng việc hái lộc ngày Tết là một tục lệ đẹp và đúng phong thủy của người dân Việt Nam. Hái lộc hay rước lộc đều là mang cành lộc tươi non vào nhà, có nghĩa là gặt hái tài lộc về cho cả gia đình. Đầu năm mang lộc vào nhà là điềm may mắn, tạo nền tảng phát triển tốt cho cả năm dài phía trước.
Người dân có thể đến đền chùa hoặc những nơi công cộng, có nhiều sinh khí như công viên, vườn hoa để hái những cành lá non về cắm trong nhà hoặc trên ban thờ. Tuy nhiên việc hái lộc cốt là ở ý nghĩa hành động, không trọng ở to hay nhỏ. Hái lộc mà tham sân si, không thương tiếc cho cây cối, phá hoại cảnh quan môi trường thì cũng là mang tội, phải trả về sau. Đầu năm đã phạm kị thì lộc có to đến mấy cũng chẳng thể cứu vãn được, ngược lại còn khiến cho gia chủ xui xẻo cả năm dài.
Hái lộc quan trọng ở cái tâm người hái. Người hái lộc phải có cái tâm hướng thiện, lòng vui vẻ lạc quan, đầy ắp hạnh hiếu thì cành lá bé nhỏ là đủ mang xuân, mang phúc lộc về nhà, hà cớ phải tham lam chọn cành thật to.
Một điều nữa cần nhắc nhở đó là hái lộc vào lúc giao thừa, sắc trời đã tối, cần chú ý lựa chọn cẩn thận để không mang cành lá héo úa hay cành có gai nhọn vào nhà, làm thế sẽ mang theo sát khí không tốt cho vận trình gia chủ, kéo vượng khí suy tàn.
Việc hái lộc suy cho cùng cũng là mong muốn hút tài lộc về nhà. Để đạt được điều này, theo phong thủy có rất nhiều cách khác ngoài hái lộc bẻ cành ở đền chùa. Có thể đón lộc bằng cách bày vật phẩm phong thủy trong nhà, cũng có thể xem hướng xuất hành đầu năm để đón Tài Thần, cũng có thể bài trí đồ đạc trong nhà theo phong thủy, để tài lộc cứ thế theo nhau mà tới.
Còn theo quan điểm tâm linh Phật giáo, nhà Phật cho rằng không nhất thiết phải hái lộc bằng việc bẻ cành ngắt lá. Lộc về nhà do cái tâm của gia chủ. Đời người có luật Nhân – Quả, người ở hiền tất sẽ gặp lành. Việc hái lộc đầu xuân là gặt hái phúc lành, hỷ lạc… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu trời khấn Phật để được hưởng quả lành, mỗi người chúng ta hãy gieo nhân lành bằng lối sống, cách nghĩ, lời nói của mình, năng tích đức hành thiện, làm những điều đúng theo đạo đức. Sống đúng với bổn phận của mình, lộc sẽ tự nhiên mà tới.
Cần hiểu đúng về tục hái lộc đầu năm
Nhận thức và quan niệm của một số người dân thì phong tục hái lộc Xuân bị hiểu sai, dẫn đến tình trạng nhiều người thi nhau hái theo kiểu "Vặt chụi” rồi trèo lên cây hái những cành lộc thật to lớn, quan niệm hái được cành lộc càng to thì tài lộc đến càng nhiều…
Vì vậy, những cây xanh tốt trong chốn thâm nghiêm đình, chùa đặc biệt là ở những thành phố lớn, chỉ sau đêm giao thừa, cây cối đã trở nên xơ xác, tàn trụi và gẫy nát. Đôi khi, những cây trong vườn cũng bị những người "hái trộm" về làm lộc dẫn đến những chuyện không hay giữa hàng xóm làng giềng trong những ngày đầu năm. Lộc không thấy, đầu năm lại gặp chuyện xui xẻo.