Vào những ngày Tết, việc đặt một chậu hoa trong nhà hay chưng hoa trên bàn thờ đã trở thành điều không thể thiếu với người Việt. Hoa không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến phong thủy.
- Chuyên gia phong thủy dự đoán con giáp vận xui đeo bám và lời khuyên hóa giải vận hạn năm Mậu Tuất 2018
- Không phải trái cây, chuyên gia phong thủy khuyên gia chủ nên cúng thứ này trên bàn thờ ngày Tết để phát tài cả năm
Bên cạnh mâm cơm truyền thống, mâm ngũ quả, bát hương thì bàn thờ nhất định phải có một bình hoa đẹp. Hoa không chỉ giúp con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên mà còn có thể mang đến nhiều điều bình an, tốt lành cho gia đình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ loài hoa nào sẽ giúp mang đến may mắn và cách cắm sao cho đúng để gia đình có thể gặp may mắn cả năm.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (TP.HCM) tiết lộ tên loài hoa và cách cắm tốt nhất để chưng bàn thờ trong dịp Tết.
Loài hoa chưng bàn thờ ngày Tết
Người ta thường chọn những loài hoa mang những tên gọi tốt lành như cát tường, huệ, cúc để chưng bàn thờ. Đặc biệt, hoa huệ và sen được xem là loài hoa thanh sạch nên dùng để dâng lên bề trên.
Những ngày đầu năm, tuyệt đối không được chưng những loại hoa gai góc hay có tên gọi không hay.
Bất cứ đồ vật nào cũng sẽ tạo ra vận khí riêng, vì vậy hoa và trái cây chưng lên bàn thờ nên chọn những loại thanh sạch, mang nguồn năng lượng tích cực. Có như vậy, trong năm mới gia đình mới gặp được nhiều may mắn, công việc làm ăn thuận lợi.
Cách cắm hoa chưng bàn thờ ngày Tết
Trên bàn thờ mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 lọ hoa là đủ. Mỗi lọ hoa không nên cắm quá nhiều hoa và cũng không được cắm xòe sang hai bên. Theo quan niệm dân gian, việc cắm hoa xòe trên bàn thờ sẽ che khuất mắt của các bậc bề trên.
Để lọ hoa đẹp, sinh động, gia chủ nên phối nhiều màu sắc lại với nhau. Tuy nhiên, không nên chọn quá nhiều màu vì nó sẽ gây rối mắt, ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ trên bàn thờ.
Muốn năm mới đầy đủ, sung túc gia chủ nên cắm hoa hướng ra ngoài và hướng lên cao. Đây cũng là cách thể hiện sự tôn kính của con cháu với người đã khuất.