Trong số 3 anh em ruột ngộ độc botulinum tại TP.HCM, vẫn còn một cháu bé phải thở máy, nằm viện liên tục 30 ngày với viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng.
- Sau vụ bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc botulinum tử vong: UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo khẩn
- Vụ 3 trẻ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa hư: Một bệnh nhi đã hồi phục, dự kiến xuất viện vào ngày mai
Theo thông tin từ báo Dân trí, trưa ngày 14/6, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho vẫn đang điều trị tích cực cho trường hợp bé N.V.Đ. (13 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức), một trong 3 bệnh nhi ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa, được đưa vào đây điều trị.
Trước đó, bé Đ., bé H. (14 tuổi, anh ruột bé Đ). và bé X. (10 tuổi, em gái bé Đ.) nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày 14/5 với chẩn đoán ngộ độc botulinum toxin từ thức ăn.
Vì là người sử dụng thức ăn nghi nhiễm độc nhiều nhất, Đ. được truyền 1 lọ thuốc giải BAT ngày 15/5, 2 bé còn lại được truyền 1/2 lọ. Đến ngày 26/5, bé H. hồi phục nên được cho xuất viện, trong khi bé X. cũng về nhà ngày 1/6.
Riêng bé Đ., sau 1 tháng điều trị, từ chỗ liệt ruột, sức cơ tứ chi 2/5, sụp mi, phải dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, đến nay sức cơ đã đạt 4/5, giao tiếp được, có thể uống sữa, ăn cháo loãng nhưng vẫn còn phải hỗ trợ hô hấp. Theo bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhi đang tập thở để hướng đến việc cai máy. Dù vậy, vẫn chưa thể dự tính được ngày bé trai có thể xuất viện.
Chị Huệ, người nhà của bệnh nhi chia sẻ, vì thời gian điều trị kéo dài nên viện phí của bé đã đội lên rất cao. Theo đó, gia đình đã được bệnh viện gửi các giấy đóng tạm ứng viện phí cho bé Đ., với tổng số tiền là hơn 140 triệu đồng. Trong khi đó tại thời điểm được về nhà, viện phí phải đóng của bé H., bé X. lần lượt là hơn 10 triệu đồng và 40 triệu đồng.
"Biết hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, có hai công ty đã hỗ trợ cho gia đình hàng chục triệu đồng để đóng tiền viện phí. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện cũng vận động mạnh thường quân giúp đỡ các bé khoảng 20 triệu đồng. Còn lại, tôi phải tự xoay sở. Thú thật giờ tôi cũng hết lo nổi rồi, sắp tới nếu bé Đ. còn nằm dài hạn thì không biết tính như thế nào" - chị Huệ tâm sự.
Trước đó, theo thông tin từ VOV, 3 anh em ruột ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM cùng người dì ăn chả lụa của người bán dạo. Đến chiều cùng ngày, 4 người đều chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng. Lần lượt 1 và 2 ngày sau, 3 bệnh nhi bị co giật, yếu chi và được đi đưa cấp cứu.
Hội chẩn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán theo dõi ngộ độc Botulinum biến chứng suy hô hấp. Ngay sau đó, các bác sĩ từ Quảng Nam đã mang 2 lọ thuốc giải độc vào TP.HCM để cứu chữa cho các bệnh nhi.
Dẫn theo thông tin từ báo VietNamNet, TP.HCM ghi nhận 2 chùm ca ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ nhỏ và 3 người lớn. Ba trẻ nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và được truyền thuốc giải độc. Sau đó do cạn thuốc giải, 3 người lớn chỉ có thể được điều trị hồi sức bằng thở máy, diễn tiến liệt cơ gần như hoàn toàn.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn cấp nhập thuốc giải độc BAT cho bệnh nhân cũng như dự phòng tình huống phát sinh ca mới.
Bộ Y tế đã liên hệ WHO và được hỗ trợ 6 lọ thuốc giải BAT quý hiếm. Ngay trong đêm 25/5, thuốc về đến TP.HCM. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy từng cho biết thuốc giải là phương án tốt nhất nhưng phải dùng đúng thời điểm, sử dụng khi bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc trong máu.
Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Botulinum đi vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.
"Trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không", bác sĩ Hùng nói.