Trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết. Những ngày này, nhiều phụ huynh TP.HCM không tránh khỏi nỗi lo sợ con phải nhập viện vì bệnh.
- Dấu hiệu trẻ nhiễm virus RSV cần phải nhập viện, nguy cơ xảy ra trong mùa nắng nóng
- Một căn bệnh do thời tiết nắng nóng khiến người bệnh 'lõm mũi, biến dạng mặt', tổn thương đau đớn: Nhầm tưởng là nốt mụn hoặc mụn ruồi
Theo thông tin từ VietNamNet, nắng nóng gay gắt từ sáng sớm khiến nhiều người chật vật dưới thời tiết oi bức, cả người lớn lẫn trẻ em đều đổ bệnh vì viêm hô hấp trên, say nắng, say nóng. Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tư vấn rằng thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt nên trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải. Nhiệt độ và độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Trong thời gian này, phụ huynh lưu ý có 3 nhóm bệnh trẻ nhỏ thường gặp gồm bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hoá, bệnh hô hấp do các loại siêu vi, bệnh về da (viêm, nhọt).
Để phòng bệnh, phụ huynh cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý như bổ sung lượng nước đầy đủ, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin trong trái cây. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ. Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé. Gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Tiêm vắc xin đầy đủ và cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Ngoài ra, trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu, khiến cơ thể bị mất nước và muối khoáng có thể bị say nắng. Trường hợp trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Dẫn nguồn tin từ Zing, theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ tiếp tục tình trạng nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất dao động 35-38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.
TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết không chỉ riêng trẻ em dễ bệnh trong mùa nắng nóng, người trưởng thành, thanh thiếu niên cũng dễ gặp các vấn đề về say nắng, sốc nhiệt. Thậm chí, TS Công cho biết đã có trường hợp sốc nhiệt nặng do lao động liên tục trong môi trường nắng nóng kéo dài, phải đưa vào viện cấp cứu.
Theo TS Nguyễn Hải Công, nếu tiếp xúc nhiệt cao trong thời gian dài, nhiều người có thể bị mất nước qua hơi thở, đổ mồ hôi, thậm chí rơi vào tình trạng rối loạn nước và điện giải. Trường hợp nặng hơn có thể bị sốc nhiệt.
Mặc dù thời tiết này không phù hợp cho vi sinh phát triển, theo quan sát thực tế, số lượng trẻ em mắc bệnh lý hô hấp có xu hướng tăng ở TP.HCM. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan liên quan tiêu hóa như nhiễm trùng hay tiêu chảy.
Bên cạnh đó, TS Công cũng cho biết thêm khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt, mệt, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy phân lỏng, phụ huynh không được chủ quan và nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất. Việc lạm dụng thuốc hạ sốt có thể không kiểm soát được sốt mà có thể khiến nhiệt độ cao hơn, dẫn đến sốc nhiệt.