Tốn 11 triệu đồng chữa hói, tóc rụng cả mảng, người phụ nữ giật mình vì căn bệnh hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân

Sức khỏe 05/05/2023 11:02

Tình trạng rụng tóc nhiều của chị D. là do một căn bệnh khó chữa, chưa rõ nguyên nhân gây nên khiến chị gần như hói cả đầu.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên, bệnh nhân đi cấy tóc do rụng rất nhiều. Ngoài ra, trong vòng ba năm trở lại, chị D. (35 tuổi, ở Thái Nguyên) thấy trong người hay mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau cơ khớp nhiều. Một năm trước, chị sốt ruột vì tóc rụng ngày càng nhiều, rụng cả mảng, gần đây còn nổi ban đỏ khắp vùng mặt.

Nóng lòng muốn che phủ những vùng tóc thưa, hở trắng đầu, chị đã tìm hiểu về dịch vụ cấy tóc trên mạng và đã thanh toán sử dụng dịch vụ cấy tóc.

Người phụ nữ này cho biết ban đầu cơ sở đưa ra mức giá 12 triệu cho một liệu trình cấy tóc, nhưng do chị không đủ khả năng chi trả nên cơ sở tiếp tục hạ xuống mức 10 triệu, 8 triệu và chốt lại ở mức 7 triệu, thực hiện trong 3 buổi. Sau hai buổi, chị đã thanh toán đủ số tiền 7 triệu và chi thêm 4 triệu để mua thuốc hỗ trợ quá trình điều trị.

Tốn 11 triệu đồng chữa hói, tóc rụng cả mảng, người phụ nữ giật mình vì căn bệnh hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân - Ảnh 1
Đi chữa tóc hói, phát hiện căn bệnh lupus ban đỏ. Ảnh: Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên

Tuy nhiên, chị không thấy tóc có cải thiện sau 2 buổi cấy. Nhân viên cơ sở giải thích phải làm đầy đủ cả 3 buổi mới thấy tóc phát triển tốt. Nhưng lúc này, chị thấy mặt ngày càng ngứa và nổi ban đỏ hơn, quyết định đi khám.

Chị vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng ban đỏ cánh bướm vùng mặt và nhận chẩn đoán bị Lupus ban đỏ. Tình trạng tóc rụng của chị là do bệnh này gây ra nên việc cấy tóc sẽ không hiệu quả. Thông báo của bác sĩ khiến người phụ nữ tiếc nuối bởi 11 triệu (tương đương gần 1,5 tấn thóc). Đây là số tiền chị đã rất vất vả, tiết kiệm để đi cấy tóc.

Tốn 11 triệu đồng chữa hói, tóc rụng cả mảng, người phụ nữ giật mình vì căn bệnh hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân - Ảnh 2
Bác sĩ chia sẻ về bệnh lupus ban đỏ. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn mạn tính, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Người mắc Lupus ban đỏ hệ thống có rối loạn đáp ứng miễn dịch. Khi các tác nhân nhiễm trùng hoặc các yếu tố ngoại lai như ánh nắng, hóa chất, thuốc, tác động lên các tế bào của cơ thể khiến chúng bị biến đổi và trở thành "lạ" đối với chính cơ thể mình.

Cũng theo VnExpress, thống kê của Bộ Y tế, 90% bệnh nhân bị lupus ban đỏ là nữ, tuổi từ 15 đến 50, tỷ lệ mắc bệnh tương đối hiếm 50/100.000 dân. Đây là bệnh tự miễn mạn tính khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh, gây viêm, sưng, tổn thương các khớp và cơ quan trong cơ thể.

Biểu hiện của bệnh là gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau khớp, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên dễ bị nhầm lẫn. Nhiều người mất vài năm mới được chẩn đoán bệnh.

Hiện, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Lupus ban đỏ không thể tự điều trị tại nhà vì bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn, phải theo dõi và làm xét nghiệm hàng tháng.

Bác sĩ khuyến cáo khi thấy có những dấu hiệu bất thường về da như rụng tóc, nổi ban đỏ ở mặt, nhạy cảm về ánh sáng nên đến kiểm tra tại các cơ sở y tế có phòng khám chuyên khoa, tránh "tiền mất tật mang" và bỏ qua giai đoạn vàng điều trị.

Tăng bệnh nhân COVID-19 ở Lâm Đồng và Khánh Hòa, các ca mắc đều không có triệu chứng

Tại hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng, các bệnh nhân đều nhẹ và không có triệu chứng.

TIN MỚI NHẤT