Thông tin về Amiang và bệnh ung thư

Sức khỏe 08/03/2023 06:00

Rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng Amiăng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: Amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp và không thể sử dụng Amiăng một cách an toàn.

1.Amiang là gì

Amiăng là một loại sợi khoáng silicat tự nhiên, được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại sản phẩm trong xây dựng và các ngành công nghiệp khác vì nó rẻ, nhẹ, có độ bền cao và đặc tính cách nhiệt cao.

Amiang được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực của sản xuất và đời sống nhưng ở Việt Nam có thể chia làm 2 loại:

Loại thứ nhất là amiang sợi, được dùng trong sản xuất tấm lợp amiang-ximăng (fibro-ximăng), má phanh ô tô- xe máy, cách nhiệt vỏ lò nồi hơi, lò nung và đường ống dẫn nhiệt; Loại thứ 2 là sản phẩm chứa amiang chủ yếu nhập từ nước ngoài, bao gồm rất nhiều sản phẩm như: vải amiang, tấm đệm, gioăng đệm, dây thừng, quần áo chống cháy…

2.Amiang tác động như thế nào đến sức khỏe và môi trường

Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiang để làm đường, đổ làm móng nhà….

Thông tin về Amiang và bệnh ung thư - Ảnh 1
 

Tác hại của Amiăng đến sức khoẻ người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi–Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiang thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.

Amiang là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất ước tính gây ra ½ số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiang là mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu năm phải sống với khuyết tật. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều Amiăng trong quá khứ.

Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi Amiăng là một bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ 1976 và đã có 3 trường hợp được giám định và chi trả bồi thường. Đã có 150 trường hợp ung thư trung biểu mô được ghi nhận tại 9 trung tâm ghi nhận ung thư ở Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô yêu cầu kỹ thuật cao về thiết bị và đội ngũ bác sỹ giỏi, hiện nay Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần. Số liệu liên quan đến tiếp xúc Amiăng tại các cơ sở sản xuất và trong khu dân cư gần nơi sản xuất tấm lợp, má phanh và các vật liệu bảo ôn, cách âm, cách nhiệt và các khu vực người dân sử dụng nhiều tấm lợp, cũng như thải bỏ, tiêu hủy hiện cũng chưa thống kê được.

Thông tin về Amiang và bệnh ung thư - Ảnh 2
 

Rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất và sử dụng Amiăng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: Amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp và không thể sử dụng Amiăng một cách an toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại Amiăng để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng. Năm 2006 ILO đã có Khuyến nghị nêu rõ tất cả các loại Amiăng đều được phân loại là chất gây ung thư ở người và đề nghị không sử dụng Công ước Amiăng số 162 năm 1986 để làm lý do tiếp tục sử dụng Amiăng.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành y tế, lao động đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu triển khai những hoạt động tập trung phòng chống các bệnh liên quan đến Amiăng thông qua Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế như xây dựng Hồ sơ quốc gia về Amiăng; chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất và sử dụng Amiăng; nâng cao năng lực giám sát môi trường lao động và chẩn đoán các bệnh liên quan đến Amiăng; giám sát các trường hợp ung thư trung biểu mô tại cộng đồng; tuyên truyền về tác hại của amiăng và các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, việc phổ biến các thông tin vẫn còn thiếu, nhất là cho đối tượng người lao động và cộng đồng dân cư.

Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Cũng theo WHO, amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất ước tính gây ra một phần hai số tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do Amiăng là mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiăng trong quá khứ. Tất cả các loại amiăng, kể cả amiăng trắng (Chrysotile) được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Năm 2003, kỳ họp thứ 13 của ủy ban liên tịch về Sức khỏe nghề nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị rằng cần quan tâm đặc biệt tới việc loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng .

Hiện nay, chỉ có một dạng amiăng, là chrysotile hay còn gọi là amiăng trắng, vẫn được khai thác và buôn bán thương mại. Tuy nhiên, bằng chứng quốc tế về mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiếp xúc với amiăng trắng và một loạt bệnh ung thư là rất nhiều và được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ghi nhận. Năm 2004, WHO ước tính có ít nhất 107.000 ca tử vong mỗi năm do tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng. Các ước tính gần đây từ Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu cao hơn nhiều với hơn 220.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2016. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rõ rằng tất cả các dạng amiăng đều là mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người và không có mức an toàn tiếp xúc với sợi amiăng thuộc bất kỳ loại và nguồn nào.

3.Chính sách về Amiang trên thế giới và tại Việt Nam

Các nước Mỹ, Đức, Úc, Liên minh Châu Âu đều khẳng định tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng là chất gây ung thư ở người .

Theo Ban thư ký nhóm Amiăng quốc tế, năm 2019, trên thế giới đã có 67 nước cấm hoàn toàn sử dụng Amiăng (bao gồm 3 nước vốn là các nước xuất khẩu amiang là Canada, Australia, Braxin cùng rất nhiều nước phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, New Zealand và các nước Liên minh châu Âu EU)

Trong thập kỷ qua, Việt Nam là một trong 10 nước tiêu thụ amiăng lớn nhất trên toàn cầu. Xét về mức tiêu thụ amiăng trắng trên đầu người, Việt Nam đã đứng thứ 7 trên thế giới. Hàng năm Việt Nam đã nhập khẩu từ 60.000 đến 70.000 tấn amiăng trắng, trong đó trên 90% được sử dụng trong sản xuất tấm lợp. Tính đến năm 2018, có 36 nhà sản xuất tấm lợp amiăng tại Việt Nam và phần lớn đặt ở miền Bắc Việt Nam. Lực lượng lao động tại thời điểm năm 2018 ước tính là 5.725 lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tấm lợp này. Hầu hết các nhà máy này không đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận về tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe nghề nghiệp để xử lý amiăng, ví dụ, trong việc cung cấp khẩu trang và quần áo thích hợp, đào tạo và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam đã phát hiện 210 trường hợp ung thư trung biểu mô vào năm 2020 và chấp nhận rằng nhiều trường hợp không được phát hiện và ước tính rằng có thể có 11.500 trường hợp ung thư trung biểu mô vào năm 2030, nếu hành động không được thực hiện ngay bây giờ. U trung biểu mô chỉ là một trong những bệnh ung thư có liên quan trực tiếp đến việc tiếp xúc với amiăng. Báo cáo thiếu là một vấn đề lớn với Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu ước tính 2.000 trường hợp tử vong do bệnh amiăng mỗi năm ở Việt Nam

Chính phủ Việt Nam nhận ra sự độc hại của amiăng và đã cấm sử dụng các loại Amiăng thuộc nhóm amphibole từ năm 1998 và và có kế hoạch giảm dần tiến đến cấm hoàn toàn Amiăng trong vật liệu xây dựng vào năm 2004. Tuy nhiên, việc sử dụng Amiăng trắng vẫn tiếp tục và có dấu hiệu tăng cao những năm gần đây, cụ thể là: Việt Nam luôn đứng trong nhóm 10 nước sử dụng Amiăng cao nhất trên thế giới trong 10 năm trở lại đây. Hàng năm nhập khẩu 50.000-70.000 tấn Amiăng/năm và 95% được sử dụng trong sản xuất tấm lợp Fibro-xi măng (AC).

Ở Việt Nam, trên cơ sở xem xét văn bản số 903/BC-BYT ngày 28/8/2014 của Bộ Y tế gửi Thủ tướng báo cáo về tác hại của Amiăng trắng đối với sức khỏe con người, một số văn bản kiến nghị của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đặc biệt là bức thư ngày 5/6/2014 của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể về vấn đề Amiăng trắng ở nước ta, chủ yếu là:

- Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 7307/VPCP-KGVX ngày 19/4/2014 và công văn số 7232/VPCP-KGVX ngày 17/7/2017 thông báo ý kiến chỉ đạo của các Phó thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng và xây dựng Lộ trình để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam.

- Ngày 1/1/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước nhăm 2018, trong đó tại điểm 36 của Phụ lục II kèm theo có ghi rõ: "Nghiên cứu xây dựng phát triển vật liệu xây dựng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025. Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang-ximang (AC) từ năm 2023". Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì. Cơ quan phối hợp là các cơ quan liên quan và thời gian hoàn thành là năm 2018.

- Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng bản Đề án "Nghiên cứu xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp AC từ năm 2023" kèm theo Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng Chính phủ và đã đưa lấy ý kiến của các Bộ, ngành từ tháng 5/2018.

(Nguồn: Trang web của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế) (https://vihema.gov.vn/tom-tat-thong-tin-ve-amiang-va-anh-huong-cua-amiang-toi-suc-khoe.html)

Cảnh báo giấy vệ sinh gây ung thư, giảm tinh trùng nam giới: Mỹ phẩm, quần áo, đồ trẻ em chứa hóa chất tương tự

Nghiên cứu cho thấy, giấy vệ sinh không an toàn như chúng ta nghĩ, chúng thậm chí chứa những hợp chất có khả năng gây ung thư.

TIN MỚI NHẤT