Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, đặc biệt có nhiều ca nặng. Mới đây nhất, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi ngờ do mắc bệnh tay chân miệng độ 4 sau bốn ngày bệnh.
- Người đàn ông ở Sơn La mất 2 chân vì tự ý uống thuốc nam tại nhà
- Bà Rịa-Vũng Tàu: 4 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn nấm lạ đầu mùa mưa
Nhiều ca nặng, tử vong
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 ca tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An.
Nếu như trong tháng 1-2023 ghi nhận 1.070 ca mắc tay chân miệng thì đến tháng 5-2023 đã tăng lên 3.101 ca. Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và có 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023. Đây cũng là 3 ca tử vong do tay chân miệng đầu tiên trong năm nay.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú vì mắc bệnh tay chân miệng.
So với cùng kỳ năm ngoái, hiện số lượng bệnh tay chân miệng bình thường nhưng số bệnh nhân nặng lại tăng (đã có 5 trường hợp nặng; trong đó 2 ca ở TP.HCM và 3 ca ở các tỉnh, 1 ca ở tỉnh tử vong).
Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ngày 31-5, khoa điều trị 15 bệnh nhi, trong đó có 3 ca mắc bệnh độ nặng (2 ca độ 3 và 1 ca độ 2B). Vài ngày trước, khoa đã cho xuất viện 1 ca mắc tay chân miệng độ 3 và 2 ca độ 2B.
"Thời điểm này vào năm ngoái thì bệnh viện chưa ghi nhận ca bệnh nặng. Tuy nhiên năm nay lại ghi nhận nhiều hơn. Đặc biệt hai ngày gần đây khoa tiếp nhận hai ca độ 3 cùng ở tỉnh Bình Dương.
Phụ huynh hai bé chia sẻ cả hai học chung lớp, rồi cùng đưa con đến bệnh viện điều trị. Đây là điều phụ huynh và cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ", bác sĩ Quy nói.
Dự báo số ca bệnh sẽ tăng khi thời tiết nắng nóng
Bác sĩ Quy cho biết thêm, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm. Đỉnh dịch của bệnh thường rơi vào tháng 4 đến 6 và tháng 8 đến 12 hằng năm. Dự báo bệnh có khả năng tăng cao khi thời tiết đang nắng nóng như hiện nay, khi người dân dần quên đi thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang so với trước đây.
Đáng chú ý, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị. Bệnh do các loại vi rút thuộc họ vi rút đường tiêu hóa gây ra.
Sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông... là những biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ mà phụ huynh dễ nhận biết.
Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng hiện nay, nhiều trẻ có biểu hiện bệnh với ít nốt ban nhỏ nên phụ huynh lầm tưởng là rôm sảy, bị nhiệt hay hăm tã... vì nắng nóng. Đến khi trẻ chuyển nặng với biểu hiện sốt cao không hạ, giật mình liên tục, thậm chí thở bất thường thì mới đưa con đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, phụ huynh còn nhầm lẫn biểu hiện chảy nước miếng kèm theo sốt ở trẻ nhỏ là do mọc răng. Tuy nhiên nếu trẻ chảy nước miếng nhưng sốt cao không hạ lại là một trong những biểu hiện của tay chân miệng. Thực tế các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trẻ xuất hiện các vết loét bên trong miệng, kèm sốt do mắc tay chân miệng khiến nước miếng liên tục chảy ra.
Theo bác sĩ Quy, một trong những cách phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng là trong lớp học của con có ghi nhận trẻ mắc tay chân miệng hay không. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, trên người có vài nốt chấm phát ban thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Nếu trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ thì nên cách ly, điều trị tại nhà. Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.