Thói quen ngậm tăm, nuốt phải dị vật này nguy hiểm hơn cả hóc xương cá, nguy cơ đâm thủng ruột gây tử vong.
- 5 mẹo giảm cân sau Tết hiệu quả cho nàng công sở
- Tăng vọt số lượng người khám chữa bệnh vì bị chó cắn dịp Tết, nguy cơ nhiễm bệnh do vết thương vật nuôi cao
Bệnh nhân nguy cấp vì thói quen ngậm tăm
Theo thông tin từ Báo Công an nhân dân, ngày 19/1, bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết các bác sĩ (BS) của BV vừa lấy thành công cây tăm đâm thủng thành ruột non đoạn tá tràng, xuyên qua tĩnh mạch chủ dưới đến cơ thắt lưng chậu phải một bệnh nhân, gây biến chứng nhiễm trùng toàn thân nặng, áp xe cơ thắt lưng chậu phải. Ông L.Q.M. (SN 1964, ngụ Cần Thơ) đến BVĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng sốt cao, đau vùng bụng phải khoảng nửa tháng, ho nhiều.
Bệnh nhân được chụp cắt lớp ngực - bụng, ghi nhận dị vật cản quang dạng đường đâm xuyên tĩnh mạch chủ dưới và cơ thắt lưng chậu phải dài khoảng 6cm; khối choáng chỗ dạng dịch vùng cơ thắt lưng chậu phải nghi áp xe cơ thắt lưng chậu phải; huyết khối trong tĩnh mạch chủ dưới; viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Được biết bệnh nhân có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, thậm chí trong khi đi ngủ. Tình trạng đau bụng đã kéo dài 20 ngày, ăn uống kém. Bệnh nhân suy kiệt, nhiễm trùng toàn thân nặng.Bệnh viện đã cho hồi sức nội khoa tích cực, nâng đỡ thể trạng, hội chẩn các chuyên khoa thống nhất phẫu thuật.
Mới đây, theo Báo Tuổi Trẻ, bà N.T.H. (56 tuổi, Quảng Ninh) bị đau bụng âm ỉ, đau nhiều khi vận động từ 30 Tết nhưng đang trong dịp Tết nên không đi khám ngay. Càng ngày bà thấy đau càng tăng, ăn uống kém, được đưa đến khám tại trung tâm y tế với chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Trên phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dị vật hình que dài khoảng 3cm nằm ở đoạn D2 tá tràng. Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày tá tràng gây mê lấy dị vật.
Kíp bác sĩ khoa thăm dò chức năng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành nội soi kiểm tra và phát hiện một dị vật là tăm tre nhọn, một đầu cắm xuyên niêm mạc ruột, một đầu tự do, xung quanh có dịch mủ chảy.
Quá trình nội soi lấy dị vật gặp khó khăn do nhu động ruột bị kích thích, co thắt liên tục khiến đầu tăm di động và có xu hướng cắm hết qua thành ruột vào ổ bụng.
Sau gần một tiếng nỗ lực, tăm nhọn dài hơn 3cm đã được lấy ra thành công trong niềm vui của cả ê kíp. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đỡ đau bụng, được chuyển về khoa ngoại tiếp tục theo dõi, điều trị kháng sinh chống viêm.
Bác sĩ Lê Bá Sinh, khoa thăm dò chức năng, người trực tiếp thực hiện nội soi cũng chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ cho biết, "Trường hợp bị tăm nhọn cắm thủng ruột như của bà H. không phải hiếm gặp, tuy nhiên đây là ca khó, bởi bệnh nhân đau bụng gần một tuần mới vào viện khám, khi đó dị vật đã xuyên sâu vào niêm mạc ruột, gây viêm và sắp lọt vào ổ bụng, đầu tăm phía trong chỉ còn chừng 2-3mm.
Hơn nữa, dị vật này lại nằm ở vị trí có nhiều nếp gấp niêm mạc, nhu động ruột co bóp, di động liên tục khiến việc tiếp cận đầu tăm nhỏ càng thêm khó khăn.
Có những lúc kíp nội soi không thấy được dị vật, tưởng tăm nhọn đã lọt ổ bụng, nguy cơ phải chuyển mổ nội soi để lấy dị vật. Tuy nhiên, chúng tôi không bỏ cuộc, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để bằng mọi cách tiếp cận đầu tăm ẩn hiện trong ổ mủ có giả mạc. Sự cố gắng của cả ê kíp đã được đền đáp, đoạn tăm nhọn dài 3cm đã được lấy ra ngoài an toàn".
Thói quen tạo ra nguy hiểm hơn cả hóc xương
Các chuyên gia tiêu hóa cho biết nuốt tăm tre và bị tăm đâm thủng ruột là tai nạn vẫn thường gặp và hay xảy ra ở người lớn tuổi. Hầu hết bệnh nhân có thói quen ngậm tăm lúc ngủ nên nuốt mà không biết.
Số khác nuốt tăm nhưng nghĩ không sao nên không đi khám, đến khi đau dữ dội đi khám thì đã bị biến chứng do tăm để lâu gây áp xe, tạo thành ổ viêm, khối u hoặc đâm thủng ruột và dịch chảy vào ổ bụng gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc… nguy hiểm tính mạng.
Tăm đâm vào nội tạng cũng được coi là hóc dị vật nhưng nguy hiểm hơn nhiều so với hóc xương, như xương cá còn có thể bị các dịch vị, đặc biệt là dịch ở dạ dày ăn mòn, phá hủy.
Tăm nhọn lại thuộc chất gỗ không bị phá hủy, ăn mòn nên trôi dạt đến đâu nguy hiểm tới đó. Tăm - dị vật rơi vào cơ thể sẽ tạo ổ áp xe, gây chảy máu, đặc biệt nếu đâm vào thực quản gây chảy máu ồ ạt thì ngay cả nằm trên bàn mổ cũng khó cứu được.
Thực tế đã có không ít bệnh nhân bị tử vong vì vô ý nuốt phải tăm. Vì có những trường hợp khi tăm mắc ở họng đã cố tình lấy ra, tăm có thể từ thực quản tuột ra nguy cơ cắm vào mạch máu vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra.
Nếu thủng mạch máu, bệnh nhân rất dễ tử vong. Khi thoát khỏi thực quản, tăm vào dạ dày gây thủng dạ dày, chu du xuống ruột non, ruột già gây thủng phải mổ cấp cứu mới hy vọng cứu được bệnh nhân.
Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp, dù đã nội soi nhưng cũng không xác định được bệnh nhân bị thủng ruột do nguyên nhân dị vật nào mà thường được mổ cấp cứu vì tình trạng viêm nhiễm trùng ổ bụng.
Do đó, nếu biết nuốt phải tăm cần ngay lập tức ngưng nuốt, cố gắng nôn ọe ra càng sớm càng tốt. Khi đã bị hóc, không nên ăn bất cứ thứ gì nhằm đẩy xuống mà nhanh chóng đến bệnh viện để giải quyết.