Nếu bạn thấy mình lúc nào cũng lo lắng về mọi thứ – công việc, tiền bạc, con cái, mối quan hệ,... thì bài thiền định chính là điều bạn cần để làm dịu tâm trí của chính bạn.
- Ngày Ung thư thế giới: Dấu hiệu đầu tiên của ung thư phổi, mẹo phòng ngừa của chuyên gia!
- Làm thế nào để kết hợp yoga vào thói quen hàng ngày của bạn?!
Nội dung bài viết
Khoa học nói rằng thiền định có tác dụng mạnh mẽ trong việc làm dịu phản ứng căng thẳng của bạn. Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng: khi bạn làm giảm bớt lo lắng và những suy nghĩ tiêu cực thông qua thiền định, nó có thể giúp làm giảm nguy cơ trầm cảm lâm sàng rất hiệu quả.
Hơn nữa, một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra rằng: việc thiền theo nhóm trong 8 tuần sẽ giúp giảm lo lắng và trầm cảm ở những người tham gia, đặc biệt khi nó được kết hợp với việc tích cực thể hiện lòng trắc ẩn với chính mình.
Vì vậy, thật hợp lý tại sao rất nhiều chuyên gia khuyên chúng ta nên chọn thiền định. Bạn vẫn còn do dự? Vậy thì hãy cùng chúng tôi phá vỡ những lo lắng này bằng những lời lý giải chi tiết và chính xác về công dụng của thiền định dưới đây nhé!
Thiền định làm giảm lo lắng như thế nào?
Meryl Arnett, một giáo viên dạy thiền ở Atlanta, Georgia, đồng thời là người dẫn chương trình podcast The Mindful Minute, cho biết: “Thiền dạy chúng ta cách cảm thấy thoải mái với sự khó chịu. Khi bạn thực hành thiền, điều quan trọng là bạn để bản thân cảm nhận những gì bạn cảm nhận và nghĩ những gì mà não bộ bạn muốn nghĩ. Bạn càng làm điều này nhiều, bạn càng có cảm giác kiểm soát được và sẽ ít bị căng thẳng kích hoạt hơn.”
Thiền cũng tuyệt vời không kém trong việc kiềm chế các vấn đề về thể chất mà sự lo lắng có thể gây ra. Jonathan Fisher - bác sĩ tim mạch tại Viện Tim mạch và Tim mạch Novant Health ở Huntersville, Nam Carolina, đồng thời là một giáo viên thiền định cho biết: “Thực hành thiền định đã được chứng minh là giúp nâng cao sức khỏe cả về tinh thần và thể chất của chúng ta.”
“Các lợi ích về tim đã được báo cáo là kết quả của việc giảm căng thẳng, bao gồm cả vấn đề hạ huyết áp, cải thiện khả năng bỏ hút thuốc và giúp ngừng lại hiện tượng ăn quá nhiều, đây là hai yếu tố hàng đầu trong nguy cơ gây nên bệnh tim mạch.”
Chính xác về cách thực hiện thiền định giúp giảm lo âu?
Mục đích của thiền định không phải là đi vào trạng thái xuất thần. Nó chỉ đơn giản là tập trung vào hơi thở của bạn, loại bỏ những suy nghĩ mất tập trung và giải phóng tâm trí của bạn để nghĩ bất cứ điều gì nó sẽ nghĩ. Tiến sĩ Fisher nói: “Không có 'cách đúng đắn' để thiền định. Hãy tìm một không gian yên tĩnh, đơn độc, nơi bạn không thể bị phân tâm.”
Tiến sĩ Fisher cho biết, tư thế ngồi thiền truyền thống là ngồi trên đệm hoặc gối trên sàn với hai chân bắt chéo trước mặt, bàn chân phẳng, cột sống thẳng, vai thả lỏng và bàn tay của bạn đặt trên đùi hoặc trong lòng của bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể thích nằm xuống, đứng hoặc đi bộ hơn trong khi luyện tập. Thiền định vào một thời điểm cố định mỗi ngày - chẳng hạn như ngay khi bạn thức dậy hoặc ngay trước khi đi ngủ - sẽ thiết lập một thói quen tốt giúp bạn tiến bộ.
Chỉ đơn giản là hít vào từ từ và thở ra. Tập trung vào hơi thở của bạn khi bạn cho phép tâm trí mình trở nên tĩnh lặng. Tiến sĩ Fisher nói: “Hãy bắt đầu chậm - chỉ 1 đến 5 phút mỗi ngày - và tăng dần lên 10 đến 20 phút mỗi ngày, khi bạn cảm thấy thoải mái. Đừng đặt bất kỳ kỳ vọng nào về những gì bạn nên trải nghiệm. Chỉ cần xem tâm trí của bạn trôi chảy như thế nào và để ý xem bạn cảm thấy thế nào."
Một giáo viên thiền có thể là một nguồn tài nguyên tuyệt vời để giúp bạn hiểu được trải nghiệm của mình và hướng dẫn bạn bước qua các giai đoạn đầu của quá trình. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng thiền như Headspace hoặc Calm để hỗ trợ cho việc thực hành thiền định của mình.
Thiền định có thể làm cho sự lo lắng trở nên tồi tệ hơn không?
Ban đầu, nó có thể làm điều đó. Các nhà nghiên cứu người Anh báo cáo rằng hơn 25% trong số hơn 1.200 đối tượng nghiên cứu cho biết họ cảm thấy lo lắng hơn khi thiền định. Nếu bạn cũng vậy, đừng lo lắng – điều đó thực sự có nghĩa là quá trình luyện tập của bạn đang có hiệu quả.
Tiến sĩ Fisher giải thích: “Khi ai đó bắt đầu thực hành thiền định, mức độ nhận thức của họ sẽ tăng lên. Họ có thể nhận thức được những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác nằm ngoài nhận thức có ý thức của họ. Một số trong số này có thể đáng sợ hoặc đáng lo ngại, bao gồm cả những ký ức trong quá khứ hoặc nỗi đau tinh thần đã bị kìm nén. Hiện tượng này được gọi là 'dòng rút ngược', bởi vì khi tiềm thức tiếp xúc với nguồn oxy ban đầu của nhận thức, một tia lửa nhỏ có thể trở thành 'ngọn lửa' cảm xúc hoặc tinh thần. Chỉ cần nhận thức được điều này có thể xảy ra là một bước quan trọng. Một người có tiền sử chấn thương hoặc những cảm xúc chưa được giải quyết có thể muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia trước khi bắt đầu thiền sâu.” Điều này rất quan trọng – hãy hỏi ý kiến bác sĩ trị liệu của bạn nếu có, nhờ đó bạn sẽ được chuẩn bị sẵn sàng nếu muốn cố gắng thực hành.
Làm thế nào để bạn đối phó với sự lo lắng gia tăng này, nếu nó xảy ra với bạn? Ở lại với cảm xúc - đừng chống lại nó. Arnett nhấn mạnh: “Bạn sẽ cảm thấy toàn bộ mức độ lo lắng mà bạn mang theo. Đó là bởi vì chúng ta có xu hướng ghi nhớ cảm giác đó và nhét nó vào trong não, rồi không cần phải nghĩ về nó. Vì vậy, khi bạn để tâm mình tĩnh lặng, tâm trí bạn nói, 'Đã đến lúc tôi phải đối mặt với điều này'. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng cảm giác này sẽ không ở lại với bạn nếu bạn cứ tiếp tục luyện tập.”
Làm thế nào để biết rằng thiền định thực sự giúp ích cho sự lo lắng của bạn?
Arnett nói: “Khi kết thúc quá trình luyện tập của bạn, hãy lấy một cuốn sổ và thoải mái viết về những gì đã xảy ra. Hãy viết ra cảm giác của bạn và những suy nghĩ bạn có. Hãy làm điều này mỗi khi bạn thiền, và bạn sẽ sớm thấy các khuôn mẫu xuất hiện trong suy nghĩ của mình. Bạn sẽ thấy điều gì đang thực sự khiến bạn lo lắng, và bạn sẽ đủ nhận thức để cuối cùng nói rằng: 'Tôi không cần phải làm điều đó nữa'. Sau đó, bạn có thể loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng một cách rõ ràng và thực tế.”
Điểm mấu chốt:
Thiền thực sự là lắng nghe chính mình. Khi bạn giảm bớt tiếng ồn trong tâm trí, bạn sẽ tìm thấy sự rõ ràng – và sự rõ ràng sẽ loại bỏ lo lắng. Vì vậy, hãy tĩnh lặng, lắng nghe tiếng nói bên trong bạn và chuẩn bị để cảm thấy tốt hơn.
Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các độc giả đã có được câu trả lời ưng ý cho câu hỏi "Thiền có thực sự giúp làm giảm sự lo âu không?" và biết cách đưa bộ môn này vào cuộc sống hàng ngày, để cả sức mạnh thân thể và tâm trí đều khỏe mạnh nhé!