Sử dụng kỹ thuật chưa từng có trong "sách vở" để lấy chiếc tăm có một đầu nằm trong thành bụng, một đầu trong ruột non

Sức khỏe 26/06/2020 13:57

Nam bệnh nhân có thói quen ngậm tăm trong miệng ngay cả đi ngủ vô tình nuốt chiếc tăm khi đang ngậm dẫn đến áp xe vùng hố chậu phải.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận và xử trí thành công một trường hợp hy hữu nuốt phải tăm trước đó 2 tuần, chiếc tăm đã di chuyển và đâm xuyên ruột được lấy ra qua thành bụng một cách an toàn.

Đó là trường hợp anh Nguyễn Văn L. (Quốc Oai - Hà Nội). Anh L. có thói quen ngậm tăm trong miệng, nhiều khi đi ngủ anh cũng ngậm tăm. Một lần tình cờ anh vô tình nuốt luôn chiếc tăm đang ngậm. Cứ nghĩ sẽ không sao nên anh không lưu ý đến, tuy nhiên sau 2 tuần anh thấy đau bụng vùng hố chậu bên phải.

Sử dụng kỹ thuật chưa từng có trong 'sách vở' để lấy chiếc tăm có một đầu nằm trong thành bụng, một đầu trong ruột non - Ảnh 1

Dị vật được lấy ra qua siêu âm

Đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ phát hiện một ổ áp xe vùng hố chậu phải. Đáng chú ý, một đầu tăm nằm trong thành bụng, một đầu nằm trong ruột non. Bằng các phương tiện siêu âm và chụp cắt lớp, các bác sĩ nhận định chiếc tăm đã xuyên qua thành ruột non, một đầu găm vào thành bụng và một đầu vẫn nằm trong lòng ruột. Đặc biệt, đầu ngoài chiếc tăm gây viêm ở thành bụng tạo thành ổ áp xe.

Việc điều trị cho bệnh nhân cần ưu tiên lấy bỏ dị vật với các phương án có thể gồm: Phẫu thuật vào trong ổ bụng, nội soi qua ống tiêu hoá và can thiệp tối thiểu dưới hướng dẫn của hình ảnh.

Lựa chọn cuối cùng được đưa ra sau khi hội chẩn là: Lấy chiếc tăm qua hướng dẫn của siêu âm. Đây là một kỹ thuật chưa từng có trong y văn, các bác sĩ can thiệp đã dùng siêu âm để định vị tạo một đường hầm đi trong thành bụng, qua các dụng cụ nong rộng đủ để ống kính camera đi vào tiếp cận và rút chiếc tăm ra an toàn.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương - khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đại học Y Hà Nội cho biết, đây là kỹ thuật chưa từng có trong "sách vở", cái khó nhất là phải tạo được đường hầm vào đúng đầu chiếc tăm nhưng không làm thay đổi vị trí của chiếc tăm trong ổ bụng hay trong lòng ruột, nếu không sẽ làm rộng tổn thương và nguy cơ nhiễm trùng thành bụng cũng như viêm phúc mạc.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương lưu ý thói quen "ngậm tăm" sau khi ăn của rất nhiều người có thể nguy hiểm nếu vô tình nuốt chiếc tăm vào ống tiêu hóa vì chất liệu tăm tre sẽ không thể bị phân huỷ bởi men tiêu hoá nên khi di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột dễ gây nên nhiều biến chứng khó lường. Biến chứng nặng nhất có thể gây thủng ống tiêu hoá và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng về sau.

Sau khi sử dụng tăm nên vứt ngay vào sọt rác, tránh ngậm trong miệng gây mất thẩm mỹ, vô tình làm rơi vãi nếu trong nhà có trẻ nhỏ sẽ rất nguy hiểm, hoặc khi nói chuyện, ngủ có thể nuốt tăm như trường hợp anh L. nói trên. Nếu không may nuốt phải tăm, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được can thiệp và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương khuyến cáo.

Xúc động: Cậu bé 5 tuổi mắc bệnh COVID-19 hiến tủy xương để cứu chị gái 7 tuổi của mình, điều tuyệt vời là sau đó cô bé không lây bệnh từ em mình

Thái Lan đã công bố trường hợp cấy ghép tế bào gốc thành công đầu tiên trên thế giới liên quan đến một bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

TIN MỚI NHẤT