Mới đây, Bộ Y tế đã phát thông báo loại thuốc viên nén Ophazidon điều trị giảm đau, hạ sốt bị làm giả trên thị trường.
- Chỉ đạo khẩn: Giám sát, kiểm soát đo thân nhiệt tại cửa khẩu để phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ
- Điểm danh 3 ‘siêu thực phẩm’ rẻ rề sẵn có giúp giảm nguy cơ đột quỵ, tăng cường sức khỏe vượt trội
Cụ thể, theo thông tin trên VnExpress, trước đó, trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy mẫu 4 lô số 290621, 390721, 540921 và 691121 thuốc trên nhãn có ghi Viên nén Ophazidon, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng cafein và định lượng paracetamol.
Cơ quan chức năng cũng đối chiếu các mẫu thuốc giả và thuốc thật, phát hiện những điểm khác biệt.
- Nét khắc chữ "TK" trên viên thuốc giả không sắc nét
- Màu sắc trên viên thuốc giả cũng không đồng nhất.
- Thông tin trên nhãn thuốc: Đối chiếu vị trí trình bày số đăng ký và số lô sản xuất trên nhãn cũng có các điểm khác biệt. Điều đó cho thấy, tình trạng loại thuốc này được làm giả tinh vi, bằng mắt thường khó có thể nhận biết.
Thị trường thuốc làm giả tinh vi, phức tạp
Thuốc Ophazidon có tác dụng giảm đau trong các trường hợp đau dây thần kinh, đau đầu, đau khớp, đau do chấn thương..., dùng hạ sốt, giảm đau cho người bị cảm cúm. Mỗi viên Ophazidon gồm hoạt chất paracetamol hàm lượng 250 mg và 10 mg cafein cùng các tá dược cần thiết.
Tuy nhiên, loại thuốc này bị làm giả với thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Cũng chia sẻ trên báo Lao động, bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng Thư ký - Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho hay, thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau. Tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021, Tổng cục Quản lý Thị trường đã phát hiện 41.375 vụ vi phạm trên cả nước, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng và có mức độ phức tạp không hề nhỏ.
Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.
Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
Chống nạn thuốc và thực phẩm chức năng làm giả
- Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các địa phương và y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về 4 lô thuốc bị làm giả trên và các loại thuốc có dấu hiệu khác thường.
- Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân không buôn bán, sử dụng thuốc giả có dấu hiệu nhận biết như trên. Cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, truy tìm nguồn gốc Ophazidon giả.
- Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường cũng cho biết - đơn vị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát trong từng lĩnh vực để phát hiện, xử lý sai phạm, kịp thời đề xuất các lỗ hổng trong quản lý theo đúng các quy định của pháp luật Nhà nước.
- Bên cạnh đó, cần chú trọng làm công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự ủng hộ chia sẻ của toàn dân đối với những hoạt động rất đặc thù của ngành công thương và lực lượng quản lý thị trường.