Phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM: Người dân nắm rõ ngay các triệu chứng để phòng ngừa kịp thời

Sức khỏe 04/10/2022 07:30

Qua hoạt động giám sát, ngành y tế TPHCM đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên.

Sáng 3/10, tại buổi giao ban của Sở Y tế về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý 4/2022, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa qua thành phố đã phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt. Sở Y tế TP.HCM sẽ sớm có thông tin chính thức công bố về trường hợp trên.

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Các giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ

Tại hướng dẫn Bộ Y tế nêu rõ các giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ như sau:

- Thời gian ủ bệnh: 6 - 13 ngày (dao động từ 5 - 21 ngày): Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

- Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM: Người dân nắm rõ ngay các triệu chứng để phòng ngừa kịp thời - Ảnh 1

Bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi...

- Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày, với tính chất sau:

Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Tiến triển ban: tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.

Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1cm.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

- Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hấp, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM: Người dân nắm rõ ngay các triệu chứng để phòng ngừa kịp thời - Ảnh 2

Khi có triệu chứng sốt, nổi hạch, phát ban không rõ nguyên nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu điều tra dịch tễ.

Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ): kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.

Đến thời điểm hiện tại, khi bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang và thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Khi thấy có các triệu chứng SỐT CAO - ĐAU ĐẦU, ĐAU CƠ - SƯNG HẠCH, PHÁT BAN. Người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Covid-19 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim vài tháng sau nhiễm trùng?

Khi các trường hợp nhiễm vi rút corona giảm dần trên khắp thế giới thì một số quốc gia vẫn phải vật lộn để kiểm soát sự bùng phát, một nghiên cứu mới đã làm dấy lên lo ngại cho những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19. Những bệnh nhân nhiễm vi rút có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch vài tháng sau khi bị nhiễm bệnh.

TIN MỚI NHẤT