Mắc Adenovirus và bệnh cảm cúm, hô hấp có những triệu chứng khởi phát giống nhau nhất
- Bạn đã bao giờ cảm thấy ù tai bởi tiếng ồn chưa? Biện pháp cải thiện thính lực này sẽ là "đồng minh" tuyệt vời của bạn
- Phát hiện mới về mối liên hệ tiềm năng giữa vitamin tổng hợp và cải thiện nhận thức ở người lớn tuổi
Ngày 15/9, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương gia tăng đột biến. Cụ thể, tính đến ngày 12/9, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm Adenovirus. Chỉ tính riêng trong tuần từ 5/9-11/9, Bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Adeno được biết đến là loại virus gây bệnh cúm. Tuy nhiên, gần đây, nhiều ca bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận có liên quan tới virus này. Bên cạnh đó, mắc Adenovirus và bệnh cảm cúm, hô hấp có những triệu chứng khởi phát giống nhau nhất định, bởi vậy không tránh khỏi sự nhầm lẫn trong quá trình xác định bệnh.
Adenovirus là gì?
Adenovirus được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này có thể tồn tại, gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại khoảng 30 ngày, 40°C có thể sống trong nhiều tháng, -200°C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100°C. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 56°C trong 3 - 5 phút.
Adenovirus được biết đến là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đây là một bệnh virus cấp tính và có những triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Những người có sức đề kháng kém, suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt là trẻ em, người già và người có bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh Adenovirus cao hơn.
Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm thông thường
Adenovirus người lưu hành rộng rãi khắp nơi trên thê giới. Chúng có khả năng gây ra nhiều bệnh ở đường hô hấp nên dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác, nhất là bệnh cúm thông thường.
Với bệnh cảm cúm thông thường, người bệnh thường thấy xuất hiện các triệu chứng điển hình như: Khó thở; ho dai dẳng; Thở rít, thở khò khè; Ho ra máu; Thở nhanh.
Còn với bệnh do Adenovirus, người bệnh không chỉ có các triệu chứng ở cơ quan hô hấp mà còn có thể có nhiều biểu hiện ở các cơ quan khác.
Khi nhiễm Adenovirus, người bệnh có thể có những biểu hiện bệnh như:
- Viêm đường hô hấp cấp: Người bệnh có biểu hiệu sưng họng, đau họng, ho, hạch cổ bạch huyết sưng đau, sốt cao. Bệnh diễn biến cấp tính, thường kéo dài từ 3-4 ngày, trường hợp trầm trọng có thể dẫn đến viêm phổi.
- Viêm họng cấp: Bệnh thường phát hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như viêm họng, ho, sốt, chảy nước mũi. Viêm họng cấp do Adenovirus gây nên thường kéo dài từ 7-14 ngày và có thể lây lan nhanh thành dịch.
- Viêm họng kết mạc: Ngoài những triệu chứng như viêm họng cấp, người mắc viêm họng kết mạc còn có dấu hiệu mắt đỏ, chảy dịch trong, thường không đau.
- Viêm phổi: Người bệnh sốt cao đột ngột, ho, sổ mũi, các dấu hiệu tổn thương ở phổi xuất hiện và có thể lan rộng, để lại các di chứng nguy hiểm. Mắc viêm phổi do Adenovirus có thể gây tử vong với tỷ lệ từ 8-10%.
- Bệnh viêm kết mạc mắt: Viêm kết mạc mắt hay đau mắt đỏ do Adenovirus thường bùng phát thành dịch vào mùa hè do lây nhiễm qua nước ở bể bơi. Biểu hiện bệnh là kết mạc mắt đỏ, có thể một bên hoặc cả hai bên, chảy dịch trong, dễ dàng bội nhiễm vi khuẩn nếu không được can thiệp kịp thời.
- Bệnh viêm dạ dày, viêm ruột: Viêm dạ dày, viêm ruột do Adenovirus thường gặp ở trẻ nhỏ, người bệnh có biểu hiện tiêu chảy kéo dài khoảng 7 ngày, sốt, đau đầu, buồn nôn, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hóa và được đào thải trong phân.
- Viêm bàng quang: Adenovirus chính là nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang ở trẻ em. Virus có thể được tìm thấy trong nước tiểu, niệu đạo và tử cung của người bệnh.
- Viêm gan: Theo báo cáo, giới chức y tế Anh và Mỹ nghi ngờ Adenovirus có thể là nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Thời gian gần đây, phần lớn những trẻ có biểu hiện viêm gan đều mắc Adenovirus, trong đó đã có những trường hợp tử vong. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những kết luận chi tiết và chính xác về dấu hiệu viêm gan ở trẻ mắc Adenovirus.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Về con đường lây truyền, Adenovirus có khả năng gây bệnh đường hô hấp nhưng cũng có thể gây viêm kết mạc, viêm dạ dày - ruột, viêm bàng quang. Vì vậy, Adenovirus có thể lây bệnh không chỉ qua đường hô hấp mà còn có thể cả khi quan hệ tình dục không an toàn. Trong khi đó, bệnh cảm cúm chỉ có thể lây qua đường hô hấp.
Phòng ngừa bệnh do Adenovirus gây ra
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tại ở Việt Nam, chưa có vắc xin phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường uy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.
BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cũng chia sẻ, trẻ mắc Adenovirrus trở nặng thường là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh do Adenovirus gây ra. Vậy nên, biện pháp phòng ngừa vẫn là rửa tay, người lớn bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ, đeo khẩu trang đầy đủ, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng... Với trẻ nhỏ cần cho tiêm chủng đầy đủ các mũi như 6 trong 1, phế cầu, cúm... để phòng bệnh tốt hơn.
Để phòng ngừa bệnh do Adenovirus gây ra mỗi người cần có ý thức chủ động phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng khăn mặt riêng, tránh dùng chung và thường xuyên vệ sinh khăn mặt bằng xà phòng, phơi chỗ thoáng mát, khô ráo.
- Vệ sinh họng sạch sẽ bằng cách thường xuyên súc miệng nước muối.
- Nước sinh hoạt trong gia đình phải đảm bảo là nguồn nước sạch đã được khử trùng an toàn.
- Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh tuyệt đối không dùng chung đồ đạc cá nhân và cần chú ý sát khuẩn thường xuyên những đồ dùng của người bệnh.
- Bệnh do Adenovirus dễ dàng lây nhiễm ở các phòng khám bệnh, đặc biệt là phòng khám mắt. Do vậy, các nhân viên y tế hay khách hàng đến khám chữa bệnh cần chú ý sát khuẩn thường xuyên tay, tránh đưa lên mắt, mũi, miệng để giảm khả năng lây nhiễm bệnh.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, trẻ em, người già và người mắc các bệnh mạn tính.