Triệu chứng của bệnh COVID-19 dễ nhầm lẫn với cúm mùa thường thấy do thời tiết.
- Bất ngờ về nguồn gốc COVID-19 được các nhà nghiên cứu công bố
- Bộ Y tế bác tin đồn về việc phát hiện biến thể COVID-19 mới "độc hơn Delta gấp 5 lần"
Theo đó, BSCK1 Nguyễn Văn Học, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ trên Báo Dân Trí cho biết, triệu chứng của bệnh Covid-19 không có thay đổi nhiều so với trước. Đa số bệnh nhân vào viện với các biểu hiện viêm đường hấp trên, gần giống với cúm, các loại sốt virus khác như hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, sốt, đau mỏi người… Một số trường hợp vào khám với triệu chứng ho khan dai dẳng 5-7 ngày, khi đi khám được test sàng lọc thì có kết quả dương tính.
Với trường hợp mắc cúm A, cúm B bệnh nhân thường đến viện trong bệnh cảnh sốt cao, ho nhiều, đau rát họng, không có biểu hiện khó thở và tức ngực. Triệu chứng Covid-19 trong thời gian gần đây thường nhẹ hơn. Khi bệnh nhân có các triệu chứng như mất vị giác, mất khứu giác, khó thở trên nền bệnh cảnh viêm long đường hô hấp trên có thể là dấu hiệu chỉ điểm cần nhanh chóng làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.
Cúm và Covid-19 đều là bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, nhưng chúng do các loại virus khác nhau gây ra. Covid-19 lây lan dễ dàng hơn bệnh cúm.
So với bệnh cúm, Covid-19 có thể gây bệnh nặng hơn ở một số người. Bạn không thể phân biệt giữa bệnh cúm và Covid-19 chỉ bằng các triệu chứng vì chúng có một số dấu hiệu và triệu chứng giống nhau. Xét nghiệm là cần thiết để biết bệnh là gì và để xác nhận chẩn đoán.
Cả Covid-19 và bệnh cúm đều có các mức độ biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến triệu chứng nhẹ, trung bình, nặng và nghiêm trọng. Các biểu hiện phổ biến mà Covid-19 và bệnh cúm tương tự nhau bao gồm:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh.
- Ho.
- Mệt mỏi.
- Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
Theo CDC Mỹ, cảm cúm thường đến đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt / ớn lạnh.
- Ho.
- Viêm họng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Đau cơ hoặc cơ thể.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.
Triệu chứng mắc Covid-19 rất đa dạng, từ nhẹ đến bệnh nặng. Chúng có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Ho.
- Thở gấp hoặc khó thở.
- Mệt mỏi.
- Đau cơ hoặc cơ thể.
- Đau đầu.
- Mất vị giác hoặc mùi mới.
- Đau họng.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Bệnh tiêu chảy.
Các triệu chứng có thể thay đổi với các biến thể Covid-19 mới và có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tiêm chủng.
Bạn nên gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu có các triệu chứng trở nặng như:
- Khó thở.
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực.
- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin trên VietNamNet cho biết để đánh giá tình hình dịch Covid-19, cần dựa trên 3 yếu tố: Thứ 1 là virus SARS-CoV-2, thứ 2 là môi trường sống, hành vi của người dân và thứ 3 là các biện pháp đáp ứng.
Theo ông Lân, theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới, SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu, tránh quá tải hệ thống y tế. “Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả. Cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, ông Lân nhấn mạnh.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch hoặc chất sát khuẩn; thực hiện thường xuyên đeo khẩu trang tại các khu công cộng; Thực hiện nghiêm khuyến cáo 2K của Bộ Y tế. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần chủ động thông báo ngay cho Trạm y tế trên địa bàn nơi sinh sống để được tư vấn kịp thời.
Đối với các trường học, cơ quan, đơn vị cần định kỳ vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, thường xuyên lau, rửa, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc, đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ. Căn cứ vào tình hình thực tế dịch trên địa bàn, cũng như về chuyên môn y tế thì các hoạt động trong sinh hoạt, lao động và học tập vẫn tiếp tục diễn ra bình thường trên địa bàn.