Nếu bạn đang có những thói quen này thì cần phải thay đổi, tiết chế tần suất lại để tránh ảnh hưởng đến xương nhé.
- Hy hữu bé sơ sinh 3 ngày tuổi bị teo thực quản được các bác sĩ phẫu thuật, cứu chữa kịp thời
- 3 thứ không đội trời chung với trứng gà khiến món ăn trở thành ‘cực độc’ gây ung thư, nguy hại cho sức khỏe
Ngồi quá lâu, ngồi xổm, ngồi chéo chân
Ngồi quá lâu làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống khiến chúng ta khom lưng và cúi ra trước, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống dễ làm tổn thương các đốt sống cổ.
Ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân gây áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi gây thoái hóa khớp chè đùi do cơ ở phần đùi và gân bánh chè chèn ép xương bánh chè trượt trên xương đùi.
Đây cũng là lý do vì sao dân văn phòng với đặc thù công việc là ngồi nhiều lại dễ mắc bệnh cơ xương khớp đặc biệt là các bệnh như thoái hóa khớp đốt sống lưng, cổ, hội chứng ống cổ tay.
Nằm sấp khi ngủ
Nhiều người có thói quen nằm sấp khi ngủ nhưng ít người biết rằng nằm sấp có thể vô tình làm tổn thương đốt sống cổ. Bởi vì tư thế nằm sấp có thể làm căng, tạo áp lực cho vùng cổ và lưng dưới của cơ thể. Điều này không có lợi cho việc duy trì độ cong tự nhiên của đốt sống cổ mà nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến các vấn đề về cột sống.
Ngoài ra, khi ngủ ở tư thế nằm sấp, bạn sẽ phải quay đầu sang một bên để thở. Điều này khiến đầu và cột sống của bạn không thẳng hàng. Theo thời gian, nó có thể gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm cổ và kích ứng các dây thần kinh.
Vì vậy, khi đi ngủ, tốt nhất mọi người nên nằm ngửa, nằm thẳng người nếu nên kê đệm sau gáy và thắt lưng, hơi nghiêng người,để có thể được nghỉ ngơi trong tư thế thoải mái nhất.
Đi giày cao gót
Giày cao gót giúp tăng chiều cao cơ thể, tạo dáng đẹp. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức nên rất dễ đau và mỏi lưng, bắp chân, bàn chân và gây suy giãn tĩnh mạch chân.
Nghiên cứu cho thấy độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5cm thì áp lực lên bàn chân trước tăng 22-25%. Do đó mang giày cao 7cm, áp lực xương bàn phải chịu là 175% mức bình thường.
Mũi giày càng nhỏ hẹp sẽ ép các ngón chân lại với nhau gây vẹo ngón cái ra ngoài, lâu ngày gây biến dạng ngón cái và các ngón khác.
Tóm lại, tránh mang giày cao gót quá lâu, khi chọn mua giày không nên chọn đế quá cao, phần mũi giày không nên ép các ngón chân quá chật, chất liệu da giày nên mềm mại và không gây kích ứng.
Bẻ khớp tay, vặn lưng, cổ thường xuyên
Khi nhức mỏi, nhiều người có thói quen bẻ khớp ngón tay, ngón chân, hay vặn lưng, vặn cổ, tuy nhiên, đây lại là một thói quen sai lầm và có thể làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh về khớp.
Theo các chuyên gia, việc bắt các khớp xương hoạt động quá sức, đột ngột sẽ dễ làm tổn thương và phá hủy cấu trúc sụn khớp hoặc cấu trúc dây chằng xung quanh khớp, từ đó gây hại không nhỏ cho xương khớp. Đặc biệt, tình trạng này nếu kéo dài quá lâu còn làm khớp của bạn nhanh bị thoái hóa, biến dạng khớp, to khớp ở các vùng ngón tay hoặc có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng…
Cúi đầu dùng điện thoại di động
Khi để thẳng đầu, cổ chỉ phải chịu đựng sức nặng khoảng 5kg, tuy nhiên, khi cúi đầu về phía trước thì áp lực đè lên các đốt sống cổ sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Vì vậy, thói quen cúi đầu sử dụng điện thoại sẽ khiến các mô cơ ở cổ bị kéo căng trong thời gian dài, gây tổn thương đốt sống cổ, khiến các dây thần kinh bị chèn ép, căng cơ, lâu dần gây thoái hoá đốt sống cổ.
Cách phòng tránh: Không nhìn xuống điện thoại quá 15 phút, tốt nhất nên để điện thoại ngang tầm mắt hoặc thấp hơn một chút, giữ đầu thẳng, không khom lưng.
Những người làm việc cúi đầu trong thời gian dài, tốt nhất nên đứng dậy đi sau mỗi một giờ làm việc hoặc ngửa đầu ra sau 4 - 5 lần, vươn vai, ưỡn ngực để thư giãn khớp xương ở cổ hiệu quả.