GS.TS Đào Văn Long phân tích các dấu hiệu, nguyên nhân gây ra bệnh trĩ và các giai đoạn cần thăm khám bác sĩ.
- Món ăn - Bài thuốc từ trứng chữa nhiều bệnh cực hiệu quả
- Ngủ quá nhiều con người sẽ đối mặt với 5 loại bệnh nguy hiểm
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là gì?
GS.TS Đào Văn Long nguyên trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ những yếu tố thuận lợi để gây ra bệnh trĩ gồm:
Thường xuyên bị táo bón: Những người hay bị táo bón khi đi đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong lòng hậu môn. Tình trạng táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ, búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
Tiêu chảy kéo dài: Bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến tính trạng phải đi đại tiện nhiều lần, rặn nhiều lần làm tăng áp lực trong ổ bụng và gây ra trĩ.
Bị tăng áp lực ổ bụng: Những người bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản dẫn đến ho nhiều hay những người làm công việc khuân vác nặng... sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng và dễ gây ra bệnh trĩ.
Lối sống thiếu khoa học: Những người phải đứng nhiều, ngồi nhiều, ít đi lại, uống ít nước, ăn ít rau xanh, ăn ít chất xơ… thường bị mắc trĩ nhiều hơn.
Người có khối u ở vùng hậu môn, phụ nữ mang thai… có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.
Dấu hiệu nào cần đi thăm khám để phát hiện và điều trị sớm bệnh trĩ?
Giáo sư Long hé lộ, có 2 dấu hiệu dưới đây người dân cần đi thăm khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh trĩ kịp thời.
Triệu chứng chảy máu: Đây là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất khi bị trĩ. Lượng máu, hình thức chảy máu của mỗi người không giống nhau.
Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, người bệnh tình cờ phát hiện trong một lần đi đại tiện do nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào phân. Với những người bị nặng hơn thì sau mỗi lần đi đại tiện, ngồi xổm máu chảy ra, có những người máu chảy nhiều dẫn đến mất máu, cơ thể xanh xao, gầy yếu, thậm chí phải đi viện cấp cứu.
Tuy nhiên, không phải người nào bị trĩ cũng bị chảy máu. Thực tế có nhiều bệnh nhân mắc trĩ cả chục năm, búi trĩ to, thường xuyên lòi ra ngoài nhưng không có hiện tượng chảy máu.
Búi trĩ sa ra ngoài sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu: Lúc đầu sau mỗi khi đại tiện sẽ có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, khối nhỏ này sẽ tự tụt vào được. Càng về sau búi trĩ to dần lên và không thể tự tụt vào sau mỗi lần đi vệ sinh mà phải dùng tay nhét vào. Khi bệnh ngày càng nặng thì búi trĩ sa ra hẳn ngoài hậu môn không nhét vào được.
Ngoài 2 triệu chứng chính kể trên, người bị bệnh trĩ có thể gặp phải những triệu chứng khác như:
Đau rát hậu môn: Triệu chứng đau xảy ra khi có biếng chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt, nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn…
Ngứa hậu môn: Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho hậu môn ẩm ướt và ngứa.
Các triệu chứng này kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu được phát hiện sớm và lựa chọn cách chữa trị kịp thời, an toàn thì người bệnh có thể giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tái phát và giảm những biến chứng nguy hiểm.