Người có bệnh mạn tính như bệnh viêm gan B khi mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng. Vậy người bị viêm gan B cần làm gì để phòng ngừa COVID-19?
- 6 nhóm triệu chứng COVID-19 khác nhau có thể dự báo trước một người bệnh nặng hay nhẹ
- Rửa tay liên tục để phòng chống Covid-19, liệu có cần phải tháo bỏ nhẫn cưới hoặc các đồ trang sức khác?
Vì sao người bị viêm gan B mắc COVID-19 bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ?
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, chiếm 15%-20% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người, chủ yếu là viêm gan mạn tính.
Đáng chú ý, bệnh viêm gan B thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Đặc biệt, trong mùa dịch bệnh COVID-19, những người bị viêm gan B nếu chẳng may mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng hơn.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, người mắc COVID-19 kèm theo bệnh lý mạn tính như viêm gan, xơ gan… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Và những người bệnh này cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.
Vậy nên, người bị viêm gan B cân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa COVID-19 để tránh lây nhiễm bệnh.
Theo TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng giải thích, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.
Người bị viêm gan B cần làm gì để phòng virus Corona?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng dịch bệnh COVID-19, người bị viêm gan B cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như những người bình thường gồm:
Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh; Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Đồng thời, người bệnh viêm gan B cần tuân thủ việc dùng thuốc điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ và thăm khám bệnh định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết, giúp bảo vệ gan.
Hạn chế chất béo, giảm muối, kiêng rượu bia, thuốc lá và tránh các thuốc chuyển hóa qua gan.
Uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi, thải lọc các chất độc hại.