Sau khi xuất hiện các triệu chứng méo miệng, không cử động được, người đàn ông 53 tuổi ở Nghệ An đi khám thì được phát hiện nang sán dây lợn cư trú ở vùng não.
- TP.HCM: Phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân ung thư thận, tỷ lệ tử vong đến 90%
- Người phụ nữ 53 tuổi suýt mất mạng vì bị phình mạch máu não mà ngỡ… rối loạn tiền đình
Theo thông tin từ VietNamNet, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa tiến hành phẫu thuật nội soi lấy bỏ nang sán dây lợn để giảm áp lực nội sọ cho một nam bệnh nhân 55 tuổi.
Trước đó, Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân S.V.T. (55 tuổi, trú tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp) nhập viện với tình trạng thất ngôn và không vận động được nửa người bên phải.
Theo người nhà, bệnh nhân T. có tiền sử động kinh cách đây 5 năm, đang kiểm soát bằng thuốc, có thói quen ăn tiết canh lợn.
Sau khi xuất hiện các triệu chứng nhức đầu nhẹ, méo miệng về bên phải, tay và chân phải yếu dần, không cử động được, kèm theo các cơn động kinh xuất hiện dày hơn, không kiểm soát được bằng thuốc, người nhà đã đưa ông T. đến khám, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An nhưng bệnh ngày càng nặng. Sau đó, ông tiếp tục được chuyển Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu.
Bệnh nhân đã làm các xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng (+), xét nghiệm Elisa chẩn đoán ấu trùng sán lợn Cysticercosis(+), chụp cắt lớp vi tính não cho thấy có nhiều ổ giảm tỷ trọng kèm phù não lớn vùng bán cầu trái.
Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng tăng áp lực nội sọ do ấu trùng sán dây lợn trên hệ thần kinh, nguy cơ tử vong cao nếu không xử lý kịp thời. Ê-kíp các y, bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật nội soi lấy bỏ nang sán để cứu sống bệnh nhân. Đồng thời bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng thuốc diệt nang sán là Praziquantel kết hợp với thuốc solumedrol, thuốc chống động kinh và kháng sinh.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo, nói được, tay chân bên phải hoạt động linh hoạt, đi lại bình thường, hết méo miệng.
Cũng theo thông từ báo Sức khỏe và Đời sống, bảy ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được Bác sĩ cho ra viện. Bệnh nhân đã có thể tự chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt bình thường.
"Bệnh sán lợn (Taenia solium) dân gian còn gọi là bệnh sán dây, nhưng từ lâu bệnh ít được quan tâm bởi vì nhiều nguyên nhân: Bệnh thường diễn biến âm thầm, không gây triệu chứng cấp tính như các bệnh nhiễm trùng khác.
Phương tiện chẩn đoán và phương pháp điều trị còn nhiều hạn chế và ít được quan tâm, cho nên các thầy thuốc thường bỏ qua bệnh lý do kí sinh trùng gây ra, đặc biệt khi có các biến chứng nguy hiểm thì Bệnh nhân mới tìm đến sự chăm sóc của y tế, do vậy can thiệp điều trị vào giai đoạn này thường là quá muộn". BS Nguyễn Hồng Việt, Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết.
Nguyên nhân mắc bệnh sán dây lợn chủ yếu do người dân ăn phở lợn tái; Ăn thịt lợn hun khói, ăn thịt lợn thui chưa được nấu chín; Thói quen ăn tiết canh lợn hoặc gặp ở những bệnh nhân sống trong cộng đồng mà ở đó thường có tập quán nuôi lợn thả rong hay gặp ở các vùng miền núi Nghệ An, các vùng dân tộc thiểu số sinh sống,...
Để phòng ngừa bệnh do sán dây lợn, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thực hiện vệ sinh môi trường, quản lý phân thật tốt (ở nông thôn, miền núi cần có hố xí hợp vệ sinh).
- Cần sử dụng nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong phòng bệnh sán lợn. Cần ăn chín uống chín (nước phải được đun sôi, để nguội, uống).
Tuyệt đối không ăn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo…), đặc biệt tránh xa thịt lợn gạo và không ăn rau sống.