Đi bơi mùa hè: Chuyên gia cảnh báo chú ý nồng độ hóa chất tại bể bơi, tránh gặp rủi ro đáng tiếc

Sức khỏe 27/04/2023 15:03

Nồng độ clo quá mức cho phép có thể gây khó thở, kích ứng da, nôn mửa... Để đảm bảo an toàn bơi lội, chuyên gia lưu ý những điều quan trọng.

Mùa hè sắp đến và những kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng sắp bắt đầu. Chúng ta lại bước vào những tháng ngày đi bơi hấp dẫn. Dù bạn đi bơi để giải trí, cho con đăng ký tập bơi hay đi bơi ở các khu du lịch thì cũng cần chú ý nổng độ clo tại bể bơi, tránh gặp họa đáng tiếc.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), hiện nay, ở các bể bơi thường sử dụng clorua (clo) hoặc dung dịch Javen để khử trùng, tẩy rửa bể bơi.

"Mặc dù đây là những loại chất có khả năng khử trừ vi khuẩn rất hữu ích nhưng cũng có những tác dụng phụ đáng sợ", chuyên gia cảnh báo.

Đi bơi mùa hè: Chuyên gia cảnh báo chú ý nồng độ hóa chất tại bể bơi, tránh gặp rủi ro đáng tiếc - Ảnh 1

Clo có mùi khó chịu, sử dụng ở nồng độ cao sẽ bị khó thở

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, mùi clo rất khó chịu. Sử dụng ở nồng độ cao sẽ gây khó thở. Clo khi sử dụng ở hàm lượng vượt mức cho phép còn có khả năng gây kích ứng da, khiến da bị ngứa, rát.

Ngộ độc clo chắc chắn rất nghiêm trọng. Một số bệnh nhân cho biết họ bị khó thở. Đây là dấu hiệu thường gặp nhất khi tiếp xúc với clo. Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác nóng rát ở cổ họng, mũi hoặc mắt; ho; chảy nước mắt. Thậm chí buồn nôn, nôn mửa hoặc tích dịch trong phổi.

Nếu chẳng may bị ngộ độc clo khi đi bơi, điều quan trọng nhất cần làm là rời khỏi khu vực càng sớm càng tốt. "Nhanh chóng di chuyển đến một khu vực có không khí trong lành là cách tốt nhất để ngăn chặn nguy hiểm", các chuyên gia nhận định. Ngoài ra, bạn cũng cần tắm rửa sạch cơ thể bằng xà phòng và nước, loại bỏ bất cứ trang phục nào bị phơi nhiễm. Kể cả đồ bơi.

Bước tiếp theo là tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, mặc dù không có thuốc giải độc khi tiếp xúc với clo. Thay vào đó, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ điều trị bất kỳ triệu chứng nào bạn có thể gặp phải như khó thở, thở khò khè...

Làm sao để tránh ngộ độc khi đi bơi?

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, để tránh gặp phải những rủi ro đáng tiếc, lượng clo dư trong bể bơi cần ở mức tối thiểu là 1mg/l, tối đa là 3mg/l. Mức lý tưởng nhất là trong khoảng hơn 1mg/l đến dưới 3mg/l.

Bên cạnh hàm lượng clo được phép cho vào bể bơi, độ pH cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu pH quá thấp, các thiết bị trong bể dễ bị ăn mòn, giảm hiệu quả của máy lọc, dẫn đến rát da, xót mắt. Nếu pH quá cao sẽ dẫn đến nước đục, xử lý không hiệu quả, tốn kém trong việc làm sạch bể, đồng thời cũng ảnh hưởng đến da, mắt.

Do đó, độ pH đảm bảo trong bể bơi cũng là tiêu chí đáng được quan tâm. Độ pH đạt chuẩn nằm trong khoảng 7,2 - 7,6. Ở mức độ này, nước sẽ trong, dễ duy trì, tiết kiệm được hóa chất bảo dưỡng hồ bơi.

PGS.TS Trần Hồng Côn khuyên, tốt nhất mọi người nên tìm bể bơi chất lượng để phòng tránh những rủi ro không đáng có như nồng độ clo, pH không đảm bảo.

Đi bơi mùa hè: Chuyên gia cảnh báo chú ý nồng độ hóa chất tại bể bơi, tránh gặp rủi ro đáng tiếc - Ảnh 2

"Bể bơi đạt chất lượng phải đảm bảo được thay nước thường xuyên, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định. Cần vệ sinh ít nhất 1 lần mỗi tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất", chuyên gia nhận định.

Vị phó giáo sư cho biết thêm, bể bơi hiện nay ở Việt Nam nói chung vẫn còn là một dấu hỏi lớn về việc đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân bởi trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện những bể bơi không đảm bảo.

Để bơi lội an toàn sức khỏe, bể bơi cần phải được kiểm tra nồng độ clo và pH chuẩn trong hồ trước khi sử dụng. Thời gian kiểm tra đảm bảo chất lượng bể bơi là 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi chiều tối. Đây là khung giờ chuẩn để xem clo và pH đã hao hụt bao nhiêu. Từ đó bổ sung liều lượng hợp lý, tránh gây hại sức khỏe.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tật qua bể bơi, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, các bể bơi cần yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm quy định tắm nước sạch trước khi xuống, sau khi ra khỏi bể bơi. Mỗi người đi bơi cũng cần nâng cao ý thức cộng đồng như không xuống bể bơi nếu đang mắc bệnh, nhiễm khuẩn...

Nếu muốn đi vệ sinh thì đừng ngại lên bờ. Khi đi bơi cần sử dụng kính bơi chặt, tránh nước bể xâm nhập vào mắt. Tắm nước sạch trước và sau khi bơi xong. Vệ sinh mắt, tai bằng thuốc nhỏ mắt, bông tăm để tránh lây nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm.

Bể bơi có nước trong, không có mùi hóa chất là đảm bảo. Nếu bể bơi đục hoặc sực mùi hóa chất thì chưa đảm bảo chất lượng, bạn không nên bơi ở những nơi như vậy.

 

2 ca COVID-19 tử vong trong tháng 4 đều có điểm chung đáng lo ngại này

Mới đây, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca tử vong vì COVID-19, trong đó 2 ca bệnh đều có điểm chung đáng lo ngại.

TIN MỚI NHẤT