Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, người hút thuốc lá có khả năng mắc Covid-19 cao gấp 1.5 lần so với người bình thường.
- Vaccine phòng COVID-19 thứ 9 được WHO phê duyệt khẩn cấp: Là sản phẩm của nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới
- Thêm 8 học sinh mầm non nhiễm Covid-19 ở ổ dịch phức tạp, toàn trường học là F1 và F2
Trong một khảo sát mới đây của Hiệp hội Nghiên cứu về nicotine và thuốc lá trên 11.000 bệnh nhân Covid-19 cho thấy, khoảng 30% số bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá. Các bệnh nhân này có triệu chứng từ nghiệm trọng đến nguy kịch. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với nhóm bệnh nhân không hút thuốc lá.
Theo một nghiên cứu khác dựa trên kết quả lâm sàng đã được công bố từ hơn 1.000 bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc, những người hút thuốc mắc Covid - 19 dẫn đến tử vong chiếm 12,4%.
Các chuyên gia của WHO khuyến cáo hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý về đường hô hấp trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, khi hút các chất hóa học độc hại trong thuốc phá hủy cấu trúc đường hô hấp khiến chức năng của phổi bị hạn chế do đó dễ bị vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập vào. Chính vì vậy, người hút thuốc lá có khả năng mắc Covid-19 cao gấp 1,5 lần với triệu chứng nặng hơn người không hút.
Giải thích về việc hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc COVID-19, PGS - TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lý giải: Covid-19 tấn công và làm suy yếu phổi, khiến những người hút thuốc lá nguy cơ mắc cao hơn và bệnh có thể nặng hơn khi nhiễm virus SARS - CoV-2.
Cụ thể, hệ hô hấp của người hút thuốc bị ức chế và giảm khả năng bảo vệ, tế bào niêm mạc đường hô hấp và các phế nang ở phổi bị tổn thương nhiều hơn nên SARS-CoV-2 dễ xâm nhập hơn.
Trong khi đó, người hút thuốc mắc Covid-19 thì bệnh dễ chuyển năng hơn do có sẵn bệnh nền về tim mạch và hô hấp, đái tháo đường khiến cơ thể giảm khả năng đáp ứng với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch nên dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả Covid-19.
Ngoài ra, bác sĩ Khuê cũng cho rằng, hành vi hút thuốc đòi hỏi việc chuyển động liên tục tay lên miệng - cơ chế này sẽ khiến virus dễ xâm nhập vào miệng, mũi. Ngoài ra, khi hút thuốc lá không thể duy trì việc đeo khẩu trang. Người hút thuốc thường xuyên ho, khạc đờm... sẽ khiến những người xung quanh có nguy cơ mắc Covid-19 nếu như người này có bệnh.
Bỏ thuốc lá là việc cần làm ngay trong giai đoạn dịch Covid-19
Trước tác hại kinh hoàng của thuốc lá, rất nhiều người mong muốn bỏ thuốc và cai thuốc lá để có sức khỏe phòng dịch Covid-19.
Anh N.V.H (42 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) là người được điều trị khỏi Covid-19 cách đây 5 tháng. Anh H cho biết, cả nhà anh bị mắc Covid-19 nhưng vợ và 2 con anh triệu chứng bệnh đều rất nhẹ và nhanh khỏi. Chỉ có anh - người tưởng chừng khỏe mạnh nhất nhà lại bị nặng nhất và phải điều trị lâu nhất. Anh cho hay, các bác sĩ chỉ ra nguyên nhân là do anh hút thuốc lá lâu ngày nên phổi đã bị suy yếu.
"Suốt thời gian được điều trị, tôi cũng bỏ thuốc lá và đến giờ đã 3 tháng tôi không hút trở lại. Quá trình bỏ thuốc thực sự vất vả nhưng qua đó tôi mới hiểu ra rằng hút thuốc lá vô cùng tai hại với việc đảm bảo sức khỏe, nhất là trong mùa dịch", anh H chia sẻ.
Tương tự anh H, trong thời gian tự cách ly ở nhà vì là F1, anh L.H.L (29 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) cũng đã cai thuốc thành công. Anh L cho biết: "Trong thời gian cách ly, tôi vô cùng lo lắng nếu chẳng may mình thành F0 mà sức khỏe không tốt thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, hàng ngày, ngoài việc tập thể dục, ăn ngủ đúng giờ và giữ vệ sinh, tôi cũng cai thuốc luôn để phổi phục hồi theo lời khuyên của các nhân viên y tế".
Bác sĩ Khuê cho rằng, bỏ thuốc lá là việc cần làm ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ đảm bảo sức khỏe cho bản thân mà còn giữ môi trường trong lành cho cộng đồng và người thân, đây là điều không thể thiếu để phòng, chống dịch Covid-19.
“Mặc dù việc bỏ hút thuốc hết sức khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong đại dịch COVID-19, sức khoẻ là vốn quý giá nhất đối với mỗi con người. Vì thế, phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giúp mỗi người có được cuộc sống khoẻ mạnh, chống lại dịch bệnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.