Hội chứng ngưng thở khi ngủ còn được gọi là “kẻ sát nhân thầm lặng” vì nó có thể gây đột tử. Sự nguy hiểm của hội chứng này nghiêm trọng đến mức nào? Hãy cùng khám phá ở ngay bài viết dưới đây nhé!
- Cách làm tôm rang muối hong kong giòn ngon, đậm vị và chuẩn đưa cơm tại nhà!
- Cách làm đậu hũ kho nước tương chuẩn thơm ngon, thanh đạm và siêu đơn giản tại nhà!
Nội dung bài viết
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ hay còn được gọi là ngừng thở khi ngủ có tên tiếng Anh là Obstructive Sleep Apnea, là một hiện tượng rối loạn trong giấc ngủ. Trong đó, khi ngủ, người bệnh có hiện tượng ngừng lưu thông không khí hơn 10 giây hoặc giảm lượng lưu thông không khí trên 50% cũng trên 10 giây. Có 3 loại ngừng thở khi ngủ là:
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương.
- Ngưng thở khi ngủ do nhiều nguyên nhân hỗn hợp.
Trong các trường hợp ngừng thở khi ngủ thì ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là chủ yếu. Hiện tượng này xảy ra khi luồng không khí bị tắc nghẽn, không thể lưu thông bình thường ở vùng hô hấp trên, gây nên hiện tượng ngưng thở.
Hiện tượng ngưng thở khi ngủ hiện nay rất phổ biến, trung bình, cứ 5 người thì có một người bị ngừng thở tắc nghẽn ở mức độ nhẹ và cứ 15 người thì có 1 người bị ngừng thở tắc nghẽn mức độ nặng. Trong đó, 80% các trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nặng không được chẩn đoán. Một đêm ngủ có thể xảy ra từ hàng chục đến hàng trăm lần ngừng thở hoặc giảm thở như vậy.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ nguy hiểm như thế nào?
Nguyên nhân gây hội chưng ngừng thở khi ngủ là do các cơ phía sau của cổ họng (bao gồm lưỡi, amidan, lưỡi gà và vòm miệng) giãn ra nhiều hơn bình thường làm chặn lại đường thờ. Khi bạn không nhận được oxy lâu hơn thời gian là 20 giây thì não sẽ đánh thức bạn dậy để bạn thở lại bình thường, đó là lúc nhiều người thường sặc, ho rồi lại quay lại ngáy tiếp.
Khi ngưng thở hoặc giảm thở này khiến không khí không thể lưu thông được vào phổi, gây thiếu oxy cung cấp cho não và ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não… Từ đó, có gây ra hàng loạt những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, làm tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và xuất huyết não,…
Tình trạng ngưng thở khi ngủ lâu ngày sẽ làm giảm oxy trong máu, làm tăng nồng độ CO2 và gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng khác. Bởi thay vì được nghỉ ngơi thì các cơ quan nội tạng khác sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp vào lượng thiếu oxy não. Tình trạng này sẽ gây ra sự mệt mỏi, suy nhược cơ thể, rối loạn chuyển hóa và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là nguy cơ đột tử. Đã có những trường hợp người bệnh ngưng thở đột ngột khi ngủ và dẫn đến tử vong, cho đến khi người thân phát hiện ra thì đã muộn.
Những ai có thể gặp phải tình trạng này? Dấu hiệu nhận biết là gì?
Những ai có thể gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ? Hội chứng ngưung thở khi ngủ có thể gặp ở tất cả các đối tượng từ người già, người trung niên, thanh niên hay trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đối tượng gặp nhiều nhất là nam giới ở lứa tuổi trung niên. Các trường hợp dễ mắc chứng bệnh này là những người thuộc nhóm người thừa cân, béo phì, mắc các bệnh về tim mạch hoặc người có chỉ số đường huyết cao.
Một số yếu tố nguy cơ cao làm tăng khả năng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ đó là: người béo phì do chất béo tích tụ xung quanh làm cản trở hô hấp, do bệnh lý về xoang gây nghẹt mũi mạn tính, do dị tật ở vùng cổ họng, viêm sưng amidan, do hút thuốc lá gây ra nhiều đờm dịch và một số nguyên nhân khác. Nếu như bạn đang gặp phải một số những nguy cơ này thì khả năng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn những người khác.
Các dấu hiệu để nhận biết một người có hội chứng ngừng thở khi ngủ đó là:
- Người có hội chứng này thường ngủ ngáy và ngáy rất to. Cụ thể, người bệnh đang ngáy rất to, rất đều sau đó tự nhiên không có tiếng động phát ra, sau đó khoảng hơn 10 giây thì người đó cựa mình, sặc lên hoặc ho rồi lại ngáy tiếp. Đó là một dấu hiệu thường gặp nhất của hội chứng ngưng thở.
- Thường hay thức giấc vào giữa đêm, ngủ không sâu, cảm thấy ngộp thở, ngột ngạt khi ngủ, sáng ra đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ và khó tập trung.
- Ngoài ra các đối tượng có hội chứng ngừng thở khi ngủ còn có thể gặp phải các dấu hiệu khác như đi tiểu nhiều lần trong đêm, trí nhớ giảm sút, không tập trung, thừa cân, có bất thường ở vùng hàm mặt…
Bị ngừng thở khi ngủ phải làm sao?
Khi người nhà thường xuyên quan sát và phát hiện ra bạn gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ thì chúng ta cần phải làm gì?
Tốt nhất là bạn cần đến cơ sở y tế, gặp các bác sĩ chuyên khoa để được nhận những lời khuyên từ người có chuyên môn. Bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh của bạn, đánh giá tình trạng tim mạch, phổi, huyết áp, tiểu đường, khám tim, phổi, mũi, cổ họng để chẩn đoán chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ.
Hiện nay, chưa có thuốc dùng để đặc trị hội chứng ngừng thở khi ngủ, nên các phương pháp bác sĩ đưa ra chỉ giúp bạn hạn chế tình trạng đường hô hấp bị hẹp lại. Đó có thể là hướng dẫn bạn những thói quen khi ngủ hoặc trường hợp nguy cơ cao thì có thể xem xét sử dụng mặt nạ đặc biệt vào ban đêm, các thiết bị trợ thở, dùng dụng cụ nâng hàm, thậm chí là thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ các mô dư làm hẹp đường thở, giúp mở rộng đường thở.
Đồng thời, để hạn chế diễn tiến của chứng ngưng thở khi ngủ, bạn nên thực hiện một chế độ sinh hoạt phù hợp với những việc làm sau đây:
- Giảm cân nếu thừa cân: Nếu như bạn đang bị béo phì, thừa cân thì bạn cần giảm cân để không khiến đường thở bị chèn ép. Việc giảm cân cũng có thể cải thiện được sức khỏe và chất lượng cuộc sống, làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác.
- Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá để giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là viêm phổi hay hội chứng phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Không nên sử dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần hay các loại thuốc khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Vì các loại thuốc này có thể khiến não không thể hoạt động để đánh thức cơ thể khi chứng ngừng thở xuất hiện, gây ra tình trạng nguy hiểm đáng tiếc.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên nằm ngủ theo tư thế nghiêng về một bên để tránh cho lưỡi và và vòm miệng đè xuống cản trở đường thở.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm thuốc dạng xịt mũi hoặc nước muối sinh lý để rửa - mũi, thông tắc mũi, loại bỏ dịch đờm trong mũi nếu như bạn bị nghẹt mũi.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao, vận động và rèn luyện sức khỏe để giúp tăng cường tuần hoàn máu.
- Thực hiện các bài tập thở, giúp tăng cường chức năng của phổi và giúp đưa oxy vào cơ thể hiệu quả hơn.
Tóm lại, hội chứng ngưng thở khi ngủ bình thường rất khó phát hiện và thường bị bỏ sót vì ít ai để ý tới. Tuy nhiên, nó lại là “sát thủ âm thầm” có thể làm hại tới sức khỏe và tính mạng của chúng ta. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, sẽ phần nào giúp các độc giả biết lưu ý hơn về các dấu hiệu khi ngủ cũng như biết cách điều chính lối sống sinh hoạt hợp lý, để đảm bảo một sức khỏe tốt nhé!