Nước được coi là nguồn cung cấp sự sống cho cơ thể. Khi thiếu nước các cơ quan thiết yếu trong cơ thể sẽ không thể hoạt động như bình thường và gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.
- Cách điều trị và ngăn ngừa viêm phụ khoa hiệu quả
- Căn bệnh khiến cô gái 22 tuổi co giật, kích động rồi hôn mê, phải thở máy suốt 2 tháng
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết, nước chiếm khoảng 70% cơ thể chúng ta, trong các tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết không giống nhau ở mỗi người. Trung bình, mỗi ngày một người trưởng thành cần uống 2 lít nước.
Hằng ngày, lượng nước trong cơ thể mất qua mồ hôi, nước mắt, nước bọt, hoạt động tiêu tiểu… Bình thường, lượng nước này được bù lại qua đường ăn uống.
Nước là thành phần quan trọng nhất và nhu cầu thiết yếu nhất đối với cơ thể con người (Ảnh minh họa)
Cơ thể mất nước khi nào?
Theo bác sĩ Mỹ, mất nước là tình trạng mà lượng nước nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước thải ra, làm cho lượng nước trong cơ thể mất cân bằng theo chiều hướng đi xuống.
Mất cân bằng nước sẽ phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu, dẫn đến việc cản trở các hoạt động bình thường và gây nhiều thiệt hại cho cơ thể.
Đối tượng dễ rơi vào tình trạng cơ thể bị mất nước
Bác sĩ Mỹ cho biết, cơ thể bị mất nước thường gặp ở những trường hợp sau:
- Người không có thói quen uống nước thường xuyên hàng ngày.
- Người làm những công việc nặng nhọc ngoài trời nắng nóng (như thợ điện, thợ xây, công nhân,...).
- Vận động viên thể thao thường xuyên tập luyện nhiều.
Việc đổ mồ hôi nhiều khi tập luyện và thi đấu thể thao là nguyên nhân dẫn đến mất nước và các khoáng chất (Ảnh minh họa)
- Người lớn tuổi ăn uống kém khiến cơ thể mất nước trầm trọng.
- Sử dụng các loại thuốc như lợi tiểu, nhuận tràng và các thuốc ức chế men chuyển điều trị huyết áp cao có thể gây đi tiểu thường xuyên hơn hoặc đổ mồ hôi, gây ra hiện tượng mất cân bằng nước.
Ngoài những lý do kể trên, một số bệnh lý cũng dẫn đến tình trạng mất nước như:
- Sốt, tiêu chảy: Người bệnh thường nôn và đi ngoài phân lỏng, khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng.Suy thận: Bắt đầu từ khoảng 50 tuổi và trở nên nghiêm trọng hơn lúc khoảng 70 tuổi. Thận bắt đầu mất một số khả năng để loại bỏ các độc tố ra khỏi máu, do thận ít có khả năng cô đặc nước tiểu dẫn đến đào thải nước ra khỏi cơ thể nhanh hơn khi già đi.
Những nguy hiểm khi cơ thể mất nước
Bác sĩ Mỹ cho rằng, mất nước là một tình trạng nguy hiểm đối với cơ thể và gây ra những biến chứng sau:
Phù não: Sau khi bị mất nước, nếu bù đắp lượng chất lỏng một cách nhanh chóng, làm cho cơ thể cố gắng đưa nhiều nước vào trong các tế bào, có thể gây ra hiện tượng phù và làm vỡ một số tế bào. Nghiêm trọng nhất là khiến các tế bào não bị phù nề.
Động kinh: Mất cân bằng nước tức là bị mất cân bằng điện giải sẽ gây rối loạn quá trình dẫn truyền và dẫn đến co thắt cơ bắp không tự chủ, đôi khi mất ý thức.
Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi dễ bị mất nước (Ảnh minh họa)
Sốc: Đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất và có thể đe dọa tính mạng khi cơ thể mất nước. Tình trạng này xảy ra khi thể tích máu thấp làm tụt huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể.
Suy thận cấp: Đây là biến chứng có khả năng đe dọa đến tính mạng, xảy ra khi thận không còn khả năng loại bỏ các chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu.
Hôn mê và tử vong: Nếu cơ thể mất nước nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời và thích hợp, có thể gây hôn mê và tử vong.