Đau đầu trước trán: Nguyên nhân và cách điều trị

Sức khỏe 27/11/2019 11:42

Nhiều người bị cơn đau đầu trước trán hành hạ và thường chỉ đối phó với cơn đau bằng thuốc giảm đau. Vậy đau đầu trước trán là bệnh gì? Đau đầu trước trán điều trị như thế nào?

Đau đầu trước trán là bệnh gì?

Đau đầu trước trán là triệu chứng đau ở vùng trán và thái dương. Cơn đau có khi chỉ xảy ở nửa trán bên trái hoặc bên phải. Đau đầu trước trán đôi khi có thể kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc chóng mặt. Cơn đau có thể xảy ra thường xuyên hoặc không thường xuyên.

Bị đau đầu trước trán không liên quan tới tổn thương ở vùng ‘trán” hoặc “thùy trán” mà là triệu chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng tránh và lúc nào cần đi thăm khám ở các cơ sở y tế khi gặp phải triệu chứng này.

Nguyên nhân đau đầu trước trán

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau đầu trước trán:

Dau dau truoc tran - nguyen nhan va cach dieu tri 1
Nguyên nhân gây đau đầu trước trán là gì? - Ảnh minh họa: Internet

Đau đầu do căng thẳng

Căng thẳng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đau đầu. Đúng như tên gọi, đau đầu căng thẳng thường xuất hiện khi bạn lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi, tư thế nằm, ngồi không đúng hoặc do các vấn đề về cơ, xương ở vùng cổ. 

Nhiều người bệnh chia sẻ khi căng thẳng họ có cảm giác giống như có một dải khăn quấn chặt quanh đầu và trán gây đau từng cơn. Cơn đau âm ỉ, liên tục kéo dài từ 30 phút đến vài giờ và có thể lặp lại trong nhiều ngày.

Dau dau truoc tran - nguyen nhan va cach dieu tri 2
Cảm giác khi đau đầu do căng thẳng - Ảnh minh họa: Internet

Bị đau đầu trước trán do căng thẳng thường có thể giảm nhẹ khi dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên các bác sĩ không khuyến khích việc này, nhất là dùng trong thời gian dài. Trước khi nghĩ đến việc dùng thuốc giảm đau, chúng ta có thể áp dụng các cách sau để cho đầu óc thư giãn, thả lỏng và từ đó các cơn đau đầu cũng sẽ dần biến mất:

  • Massage vùng đầu, trán, thái dương và sau gáy
  • Nhẹ nhàng tập thể dục vùng cổ
  • Đắp hoặc lau một chiếc khăn ấm lên trán hoặc cổ

Tuy nhiên, phải đặc biệt chú ý nếu bạn gặp những cơn đau dữ dội, đau đầu vùng trán kéo dài, đau đầu mãn tính thì nhất thiết phải đi đến các cơ sở chữa bệnh để điều trị.  

Mỏi mắt

Căng mỏi mắt cũng có thể dẫn đến triệu chứng đau đầu trước trán. Đau đầu do căng mỏi mắt cũng có cảm giác tương tự như đau đầu do căng thẳng. Cơn đau đầu trước trán do căng mỏi mắt thường bị khởi phát khi bạn đang ở một trong những tình trạng sau:

  • Mắt hoạt động trong thời gian dài, ví dụ như khi bạn đọc sách hoặc sử dụng máy tính quá lâu
  • Tập trung quan sát trong trạng thái căng thẳng quá lâu
  • Tư thế đọc, quan sát không đúng, ví dụ như nằm đọc sách quá lâu trong điều kiện ánh sáng không đủ
Dau dau truoc tran - nguyen nhan va cach dieu tri 3
Đau đầu trước trán do nhức mỏi mắt - Ảnh minh họa: Internet

Khi bạn gặp các triệu chứng này thì việc đầu tiên cần làm là nên đi bệnh viện nhãn khoa để kiểm tra mắt. Nếu tật khúc xạ là nguyên nhân cốt lõi gây nên chứng đau đầu trước trán thì việc bạn đeo kính hoặc điều trị tật khúc xạ sẽ giúp cho bạn thoát khỏi những cơn đau đầu.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự giảm tải cho đôi mắt của mình bằng những cách sau: 

  • Nghỉ giải lao thường xuyên khi cần phải thực hiện các công việc cần quan sát nhiều như đọc sách, nhìn vào màn hình máy tính
  • Giữ tư thế đúng và khoảng cách vừa đủ cho mắt khi ngồi vào bàn làm việc
  • Vươn vai, duỗi cánh tay, xoay cổ, hông, lưng
  • Sử dụng bộ lọc chống chói cho màn hình máy tính

Viêm xoang trán

Viêm xoang trán có thể chính là tác nhân gây nên cơn đau đầu trước trán của bạn. Các xoang bị viêm do nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng. Tình trạng thường sẽ khiến bạn đau quanh trán, má và mắt cùng với một số triệu chứng khác đi kèm như chảy nước mũi, tắc mũi, sốt nhẹ, và đau răng. Đặc biệt, vùng trước trán thường bị đau âm ỉ và cơn đau thường trở nên trầm trọng hơn khi cử động đầu.

Việc điều trị thành công bệnh viêm xoang sẽ đồng thời chấm dứt những cơn đau ở vùng trước trán. Việc xử trí viêm xoang tùy thuộc vào nguyên nhân sau:

  • Viêm xoang do lạnh hoặc cảm cúm: chúng ta có thể sử dụng thuốc thông mũi, thuốc cảm cúm, giảm đau, nước muối sinh lý để làm sạch lỗ mũi hoặc xông hơi nước.
  • Viêm xoang do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, do dị ứng: cần phải đến gặp bác sĩ để được kê đơn điều trị

Đau nửa đầu Migraine

Đau nửa đầu Migraine là những cơn đau đầu dữ dội xảy ra ở một bên đầu (bên trái hoặc bên phải). Bệnh thường gặp ở độ tuổi dưới 50. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được xác định chính xác nhưng các nhà khoa học thấy rằng nguyên nhân gây nên bệnh này có vai trò của gen di truyền và các yếu tố môi trường. 

Trong cơn đau, người bệnh thường có các triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội từ vùng thái dương và vùng trước trán (đau đầu trước trán bên trái hoặc đau đầu trước trán bên phải)
  • Đau đầu trước trán buồn nôn, nôn mửa, hoặc chóng mặt
  • Đau giật thon thót theo nhịp đập của mạch.
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng, tiếng ồn
  • Đau đầu tăng lên khi vận động đi lại

Đau nửa đầu Migraine có thể khởi phát nếu gặp các tác nhân như dưới đây:

  • Sự thay đổi hoocmon nữ: đau trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, khi sử dụng thuốc tránh thai, phụ nữ tiền mãn kinh
  • Sự thay đổi trong giấc ngủ: một số người bị đau nửa đầu khi ngủ quá nhiều hoặc bị mất ngủ
  • Bỏ bữa, ăn đồ ăn nhanh: cơn đau đầu có thể đến khi ăn nhiều socola, phô-mai, đồ ăn đóng hộp có chứa chất phụ gia, hoặc đồ ăn có nhiều mì chính
  • Sử dụng đồ uống có cồn hoặc có nhiều cafein (rượu, bia, cà phê, v.v.)
  • Áp lực, căng thẳng
  • Thời tiết hoặc áp suất không khí thay đổi đột ngột
Dau dau truoc tran - nguyen nhan va cach dieu tri 4
Tác nhân khởi phát cơn đau nửa đầu - Ảnh minh họa: Internet

Viêm động mạch thái dương

Viêm động mạch thái dương là tình trạng viêm niêm mạc động mạch. Thông thường bệnh ảnh hưởng đến các động mạch ở đầu, đặc biệt ở vùng thái dương. Bệnh này có dấu hiệu đặc trưng là các cơn đau đầu dữ dội, nghiêm trọng lặp đi lặp lại ở quanh thái dương. Các triệu chứng khác bao gồm: 

  • Đau hàm khi nhai hoặc nói
  • Mất thị lực
  • Sút cân
  • Đau cơ
  • Phiền muộn
  • Mệt mỏi

Nếu bạn mới bị đau đầu dai dẳng hoặc có bất kỳ vấn đề nào được liệt kê ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay để bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt vì như vậy có thể giúp bạn ngăn ngừa bị mất thị lực.

>>> Xem thêm:

- Làm thế nào để hết đau đầu tại nhà hiệu quả?

- Cách chữa đau đầu chóng mặt buồn nôn nhanh chóng cho mọi người

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh đau đầu trước trán

Thiết lập lối sống lành mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc giảm tần suất xuất hiện của các cơn đau đầu, bao gồm cả đau vùng trước trán. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp như sau:

  • Ngủ đủ giấc: thiết lập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Không ngủ bù, ngủ nướng vào cuối tuần. Hàng ngày duy trì ngủ đủ từ 6 đến 8 tiếng.
  • Thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất vài lần một tuần để giảm stress và giữ dáng.
  • Cải thiện tư thế ngồi làm việc: ngồi thẳng lưng, tránh ngồi một tư thế quá lâu. Giải lao, đứng dậy sau thời gian dài ngồi làm việc ở bàn máy tính.
  • Kiểm soát lượng cafein
  • Uống nhiều nước
  • Tránh uống thuốc giảm đau kéo dài
  • Các liệu pháp massage, ngâm chân giúp cơ thể được thư giãn, giảm áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, khiến đầu óc thư thái nhẹ nhàng, từ đó có thể giảm các cơn đau đầu.
  • Điều trị bằng thuốc: khi đi thăm khám các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp

Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu, bạn có thể lập cuốn nhật ký ghi lại để từ đó có thể tìm ra tác nhân khởi phát cơn đau đầu của bạn. Căn cứ vào đó sẽ có hỗ trợ nhất định cho việc điều trị. Một số tác nhân phổ biến bao gồm mùi, hóa chất, thuốc, thức ăn, đồ uống, và một số hoạt động khác.

Dau dau truoc tran - nguyen nhan va cach dieu tri 5
Lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa và giảm thiểu đau đầu trước trán – Ảnh minh họa: Internet

Khi nào cần đi gặp bác sĩ

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến kể trên, có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc bị đau đầu ở vùng trước trán. Nếu bạn còn có các biểu hiện như dưới đây thì cần phải đi khám ngay lập tức không được chậm trễ:  

  • Đau đầu vùng trán đột ngột, dữ dội,
  • Cơn đau đầu vùng trán mới xuất hiện, nhưng thường xuyên tái phát (đặc biệt ở độ tuổi trên 50)
  • Các cơn đau vùng trán kèm theo cổ cứng, sốt, buồn nôn, suy giảm thị lực, hô hấp, cảm giác, vận động 
Dau dau truoc tran - nguyen nhan va cach dieu tri 6
Khi nào cần đi gặp bác sĩ? - Ảnh minh họa: Internet

Nhìn chung, triệu chứng đau đầu trước trán dù nghiêm trọng hay không nghiêm trọng cũng đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hy vọng bài viết này có thể cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn phòng ngừa cũng như giảm thiểu tần suất xuất hiện của những cơn đau đầu ở vùng trước trán. Từ đó góp phần tạo nên một cuộc sống mỗi ngày đều mạnh khỏe, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Thoáng đau đầu, bé 8 tuổi hôn mê nguy kịch ngay giữa lớp học

Thấy con trai kêu đau đầu, buồn nôn, cha mẹ tưởng con muốn trốn học nên tiếp tục đưa đến trường, không ngờ bé trai co giật, hôn mê ngay tại lớp.

TIN MỚI NHẤT