Đến nay, vụ việc cô gái tử vong trong tư thế treo lơ lửng ở phòng tập yoga một mình vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
- Từ vụ mẹ trẻ dìm chết 2 con nghi do trầm cảm: Làm gì để tránh những hệ lụy đau lòng?
- Nghệ An: Bé sơ sinh nặng 700 g được nuôi sống thành công trong lồng kính
Thông tin từ Báo Dân Trí cho hay, khoảng 17h30 ngày 7/3, chị Phạm Thị C. (trú TP Đà Lạt) tới phòng tập trên thì phát hiện chị N.T.T.H. đã tử vong.
Tại hiện trường, chị H. bị dải dây tập bằng vải có một đầu treo trên xà nhà thắt siết ngang bụng, hai chân sắp chạm tới mặt sàn.
Một số người phán đoán, có thể trong lúc luyện tập, chị H. đã bị sợi dây siết ngang bụng trong khi chân không chạm tới sàn nhà. Do không thể tự thoát ra được, nạn nhân bị sợi dây siết chặt gây ngạt thở và tử vong.
Chị H. là người luyện tập yoga từ nhiều năm nay và đang chuẩn bị thi cấp chứng chỉ hành nghề huấn luyện viên bộ môn này.
Bộ môn yoga tập với dây đu còn gọi là yoga bay, là một loại hình yoga đang khá được ưa chuộng hiện nay.
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, sự kết hợp giữa yoga và pilates sẽ giúp giảm áp lực lên xương sống, có thể coi là bài tập giúp trị liệu cột sống. Hơn nữa yoga dây cũng có thể giúp dễ thực hiện các động tác khó như: Trồng cây chuối, uốn cong lưng hoặc duỗi chân… Nhờ sợi dây lụa được hỗ trợ một phần thể lực, cơ thể của người tập được thả lỏng và điều chỉnh tư thế thoải mái hơn.
Nhưng theo Master Đỗ Mai Linh - chuyên gia yoga từ trung tâm AD YOGA, yoga dây không hẳn là mang lại những lợi ích nhiều hơn yoga thảm, nó có thể giúp người tập lên cơ nhanh hơn và đặc biệt là đem lại những shot hình đẹp, vì thế cũng khá nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa thích và muốn luyện tập. Tuy nhiên, tập yoga thảm hoặc yoga dây hoặc bất kỳ một bộ môn nào đều cần những lưu ý để tránh các rủi ro.
Người muốn tập yoga dây cần phải qua một khóa đào tạo cơ bản về yoga truyền thống, tức là yoga thảm để nhận biết, hình dung và thực hiện được các tư thế nền tảng vững vàng, ổn định trước. Sau đó mới nên tiếp cận đến yoga dây (hay còn gọi yoga bay).
Hơn nữa, khi tập yoga dây sẽ rất dễ bị chới với, cảm giác mất vững, chơi vơi dẫn đến chao đảo, chóng mặt. Rất nhiều người ở tuổi trung niên tìm đến với bộ môn yoga để mong cải thiện tình trạng sức khỏe, nhưng ở độ tuổi này thường có các vấn đề về sức khỏe như: Rối loạn tiền đình, huyết áp... do đó sẽ không phù hợp với tư thế treo lơ lửng trên không.
Khi tập yoga dây, người tập sẽ dùng dây lụa để treo mình lên và thực hiện các động tác yoga, do đó sợi dây lụa sẽ siết chặt cơ thể dẫn đến rất đau. Ngoài ra, nếu không may bị chao đảo, gặp sự cố sẽ có thể bị treo người trên không, nếu cùng lúc đó gặp phải vấn đề sức khỏe (như chóng mặt, hạ huyết áp...) mà không tự xử trí được sẽ gặp nguy hiểm. Vì thế không nên tập yoga dây một mình tại nhà hoặc tại phòng tập khi chưa có đủ thể lực cũng như kinh nghiệm luyện tập yoga.
Về trang phục yoga dây cũng cần lựa chọn đúng. Nên chọn trang phục gọn gàng, bó sát vào cơ thể để không gây vướng vào dây. Ngoài ra, nên mặc quần áo dài, dày để tránh tình trạng dây quấn chặt vào cơ thể. Không nên đeo đồ trang sức trong khi tập bởi chúng rất dễ mắc vào võng tập.
Lưu ý, người hay bị chóng mặt, ngất xỉu, viêm xoang, mới phẫu thuật, tăng nhãn áp, hẹp động mạch cảnh, hoặc có vấn đề về cột sống, tiền sử bệnh tim, mang thai... cần hỏi ý kiến bác sĩ cũng như huấn luyện viên trước khi tập yoga dây.