Các chuyên gia đều thống nhất rằng đây là thời lượng tập thể dục tối ưu để phòng ngừa bệnh mạn tính và kéo dài tuổi thọ.
- 4 bất thường nhưng thực ra là bình thường khi bước qua tuổi 65: Muốn kéo dài 30 năm tuổi thọ đừng quên thực hiện 3 điều
- Chỉ bị bong gân nhẹ, chàng trai 24 tuổi qua đời chỉ sau 2 tháng vì 1 nguyên nhân không ai ngờ
Hướng dẫn hoạt động thể chất cho người Mỹ khuyến nghị mọi người nên tập thể dục với cường độ vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần và tập khoảng 75 phút mỗi tuần với các bài tập thể dục gắng sức.
GS.TS I-Min Lee, giáo sư về Dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cho biết các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tập thể dục thường khuyên mọi người nên chia 150 phút tập luyện thành các buổi đi bộ nhanh trong 30 phút hoặc một hoạt động thể chất có thời gian tương tự 5 lần/tuần.
GS Ulf Ekelund, giáo sư tại Trường Khoa học Thể thao Na Uy cho biết: “Nhiều nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng 30 phút tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi ngày có thể giảm tử vong sớm, giảm nguy cơ mắc đột quỵ hoặc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường và ung thư”.
Chuyên gia Ekelund tiếp tục giải thích: “Tập thể dục với cường độ vừa phải có nghĩa là tham gia các hoạt động làm tăng nhịp thở và nhịp tim, chẳng hạn như đi bộ nhanh”.
Ngoài ra, chuyên gia Emmanuel Stamatakis, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hoạt động thể chất và sức khỏe tại Đại học Sydney, Úc, bổ sung: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có thể chia nhỏ 150 phút tập thể dục/tuần thành các bài tập nhỏ, có thời gian ngắn vào các ngày trong tuần/các thời điểm trong ngày để phù hợp với lịch trình cá nhân.
Điều này có nghĩa là mọi người hoàn toàn có thể tập một bài tập kéo dài trong 30 phút/ngày hoặc có thể tiếp tục chia nhỏ 30 phút tập/ngày này thành các khoảng thời gian tập ngắn hơn, vào các thời điểm khác nhau trong 1 ngày.
Ví dụ như bạn có thể đi bộ 1-2 phút vài lần vào các thời điểm khác nhau trong ngày, tham gia một số hoạt động thể chất ngắn cho đến khi đủ 30 phút tập luyện. Việc chia nhỏ khoảng thời gian tập luyện hoàn toàn không ảnh hưởng tới các lợi ích sức khỏe mà việc tập thể dục mang lại”.
Ngoài ra, chuyên gia chỉ ra rằng các hoạt động như đi bộ rất nhanh, leo cầu thang hoặc đi mua sắm cũng là một trong những hoạt động thể chất tương tự như các bài tập thể dục với cường độ vừa phải.
Chuyên gia Stamatakis cho biết so với việc dồn hết thời gian tập luyện vào 2 ngày cuối tuần, việc tập luyện hàng ngày dường như mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn. Một nghiên cứu do chuyên gia Stamatakis thực hiện trước đó đã chỉ ra rằng mặc dù việc dồn hết thời gian tập luyện vào 2 ngày cuối tuần vẫn có thể giảm nguy cơ tử vong sớm nhưng kiểu tập này vẫn có nhược điểm.
Chuyên gia Stamatakis khẳng định: “Thói quen lười tập thể dục hàng ngày và dồn toàn bộ 150 phút tập thể dục vào cuối tuần hoàn toàn không phải ý tưởng hay. Bởi điều này khiến bạn bỏ lỡ nhiều lợi ích sức khỏe của việc tập thể dục thường xuyên, chẳng hạn như kiểm soát lượng đường trong máu và cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, tập luyện quá nhiều vào cuối tuần cũng làm tăng nguy cơ chấn thương".
Nhìn chung, các chuyên gia đều khuyến khích mọi người tập luyện càng nhiều càng tốt bởi chúng có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và có thể kéo dài tuổi thọ.
GS Eckron khẳng định: “Việc hoạt động thể chất dù chỉ một vài phút vẫn tốt hơn so với việc không vận động. Từng phút tham gia hoạt động thể chất đều có giá trị, ngay cả dành 1-2 phút để leo cầu thang cũng tốt cho sức khỏe, miễn là bạn lặp lại hoạt động đó thường xuyên”.