Khi trẻ bị sốt sốt, cần tìm nguyên nhân gây sốt để điều trị và sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm.
- Bạc Liêu: Người phụ nữ 39 tuổi vỡ gan do dùng đai nịt bụng giảm cân
- Campuchia: Một bé gái dương tính với cúm gia cầm H5N1 tử vong
1. Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc?
Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Minh Đạt - người sáng lập Trung tâm sức khỏe Nhi khoa Cenica, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược, sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể trước các loại virus, vi khuẩn. Khi cơ thể diễn ra rất nhiều quá trình phản ứng để chống lại tác nhân gây hại sẽ gây ra tình trạng tăng thân nhiệt tạm thời. Khi cơ thể tăng thân nhiệt sẽ xúc tác các enzim, các quá trình phân huỷ virut, vi khuẩn diễn ra nhanh hơn. Đồng thời cũng khiến cho các loại enzim của vi khuẩn, virut bị ức chế. Từ đó sẽ góp phần vào việc tiêu diệt vi khuẩn, virut và các tác nhân gây bệnh.
Nhiệt độ bình thường của cơ thể trẻ khoảng 36,5 đến 37,5 độ C. Và nhiệt độ cơ thể trẻ có thể dao động trong ngày khoảng 0,5 độ C. Thường thì vào buổi sáng nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ thấp hơn bình thường. Khi mẹ đo nhiệt độ cơ thể của bé mà dao động khoảng 36,7 đến 38,5 độ C thì đây chưa gọi là sốt, chỉ gọi là tăng thân nhiệt mà thôi.
"Khi mẹ đo nhiệt độ ở hậu môn của con trên 38 độ C, ở nách trên 37,5 độ C thì lúc đó trẻ đang bị sốt. Đo nhiệt độ cơ thể ở hậu môn cho kết quả chính xác, còn đo nhiệt độ ở nách thì chúng ta cộng thêm 0,5 độ C. Đối tượng trẻ sơ sinh thì hơi đặc biệt một chút, mẹ đo nhiệt độ ở hậu môn của con 37,5 độ C thì trẻ đã đang sốt rồi.
Hạ sốt chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, giúp cho đứa trẻ đó cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Chúng ta biết rằng khi trẻ sốt quá cao con sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, có những đứa trẻ có biểu hiện co giật rất nguy hiểm. Trong những trường hợp sốt cao như vậy chúng ta mới cần xử lý. Thông thường trẻ sốt từ 38,5 độ C đến 39 độ C mà vẫn tỉnh, chơi và ăn ngủ bình thường, con chỉ mệt một chút khi sốt thì mẹ cũng chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt ngay cho bé. Khi trẻ sốt trên 39 độ C lúc đó chúng ta mới cần có sự can thiệp để bé hạ sốt. Đây là hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ" - Dược sĩ Trương Minh Đạt cho biết.
2. Dùng thuốc gì để hạ sốt cho trẻ?
Theo người sáng lập Trung tâm sức khỏe Nhi khoa Cenica, hiện nay trên thế giới, cũng như Việt Nam, hai loại thuốc hạ sốt thông dụng nhất là Paracetamol và Ibuprofen.
- Paracetamol
Paracetamol có rất nhiều tên thuốc khác nhau: Hapacol (hoạt chất Paracetamol), Decolgen (hoạt chất Paracetamol, Chlopheniramin), Efferalgan (hoạt chất Paracetamol), Tiffy (Paracetamol, Chlorpheniramine, Phenylpropanolamine), viên đặt hậu môn...
Paracetamol là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm nhóm NSAID (chúng ta còn thuốc giảm đau, chống viêm Corticoid - nên phân loại như vậy để dễ phân biệt, các bạn không cần nhớ nhưng phải biết). Chúng hạ sốt do mọi nguyên nhân gây sốt, an toàn khi dùng đúng chỉ định. Chúng hạ sốt do tác động lên vùng dưới đồi làm hạ nhiệt, giãn mạch ngoại vi và tăng lưu lượng máu ngoại biên (từ đó giảm nhiệt của cơ thể bé đang sốt).
Có nhiều loại thuốc/Tên thuốc khác nhau, có thể có thêm các thành phần khác ngoài Paracetamol. Vì vậy, chúng ta cần đọc kỹ thành phần trước khi mua và trước khi cho con uống. Nhất định nên chọn thuốc hạ sốt chỉ có thành phần là Paracetaoml, không nên có thêm các thành phần khác vì không cần thiết, nó có thể ảnh hưởng sức khỏe, gan, thận của trẻ. Paracetamol chuyển hóa ở gan nên với trường hợp bé bị tăng men gan cần được hướng dẫn của bác sĩ.
Liều dùng: 10-15mg/kg cân nặng/lần dùng, cứ 4 - 6h dùng 1 lần nếu bé sốt, không dùng quá 4 lần/ngày. Các nhà sản xuất khuyến cáo liều như sau, khi mình không biết chính xác cân nặng của con, các bạn tham khảo thêm.
+ 2,7-5,3 kg: 0-3 tháng: 40 mg/lần.
+ 5,4-8,1 kg: 4-11 tháng: 80 mg/lần.
+ 8,2-10,8 kg: 1-2 tuổi: 120 mg/lần.
+ 10,9-16,3 kg: 2-3 tuổi: 160 mg/lần.
+ 16,4-21,7 kg: 4-5 tuổi: 240 mg/lần.
+ 21,8-27,2 kg: 6-8 tuổi: 320 mg/lần.
+ 27,3-32,6 kg: 9-10 tuổi: 400 mg/lần.
+ 32,7-43,2 kg: 11 tuổi: 480 mg/lần.
- Ibuprofen
Đây là thuốc hạ sốt được dùng thay thế khi mà Paracetamol không còn đáp ứng hoặc bé dị ứng với Paracetamol. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Ibuprofen tác dụng hạ sốt nhanh và mạnh hơn paracetamol, nhưng không được khuyến cáo nếu dùng Paracetamol vẫn đáp ứng tốt.
Độc tính của Ibuprofen nguy hiểm hơn Paracetamol do ức chế tạo Thromboxan có thể gây chảy máu, xuất huyết, đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp sốt xuất huyết, gây cơn hen giả và gia tăng tái phát hen nếu bé có tiền sử bị hen.
Liều dùng: 5 – 10mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau 6-8h.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ
- Chỉ dùng 1 loại thuốc hạ sốt trong 24 giờ đầu tiên: paracetamol, hoặc ibuprofen (ibuprofen chỉ dùng với trẻ trên 3 tháng tuổi).
- Ibuprofen không được sử dụng trong trường hợp thủy đậu (gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da nặng), sốt xuất huyết (chống kết tập tiểu cầu) và cần được sử dụng thận trọng trong trường hợp nhiễm khuẩn.
- Thuốc hạ sốt không có tác dụng ngăn ngừa cho các cơn co giật.
- Khi bé sốt quá 3 ngày cần phải cho bé đi khám vì sốt có thể biểu hiện của một bệnh nguy hiểm tiềm tàng nào đó.
- Mẹ không nên lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cho tất cả các loại thuốc.
- Nên tính trước liều của con để khi cần thì có sẵn, không lại tính nhầm.
- Không uống hai thuốc có thành phần hạ sốt cùng lúc vì có nguy cơ quá liều, một số thuốc cảm ho có sẵn thành phần hạ sốt trong đó, nếu uống thêm thuốc sốt sẽ thành uống gấp đôi (thuốc điều trị cúm, sổ mũi như: Tiffy, Tamiflu, Decolgen...).
- Tuyệt đối không uống quá liều được khuyến cáo.
- Nếu là thuốc nước, nên đo chính xác bằng dụng cụ đo lường, không nên nhắm chừng.
- Nên ghi lại liều lượng, số lần thuốc con đã uống để theo dõi.
- Thuốc nên để ngoài tầm với của con, đóng chặt nắp.
- Không cần uống ibuprofen và paracetamol cùng lúc để hạ sốt.
KẾT LUẬN: Cơ bản thuốc hạ sốt là an toàn, nếu chúng ta dùng đúng liều chỉ định. Nếu thấy bất thường hãy đưa trẻ đi khám ngay.