Ngày 8/7, ThS.BS Trần Văn Kiên - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh viện đã cấp cứu lấy huyết khối gây tắc mạch não thành công cho nam bệnh nhân (66 tuổi). Người này tự chữa tai biến tại nhà bằng cách lấy kim đâm vào các đầu ngón tay và tai để bóp bỏ “máu độc”.
- Đi ngủ đừng để thứ này ở đầu giường, ảnh hưởng rất xấu đến giấc ngủ và sức khỏe, nhiều người biết nhưng vẫn 'tiện tay' đến lúc hối không kịp
- Cảnh báo: Chu kỳ 4 -5 năm bùng phát dịch sốt xuất huyết bị phá vỡ, Hà Nội có thể thành "điểm nóng"
Theo thông tin từ VTC News, ThS.BS Trần Văn Kiên - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, bệnh viện đã cấp cứu lấy huyết khối gây tắc mạch não thành công cho nam bệnh nhân (66 tuổi). Người này tự chữa tai biến tại nhà bằng cách lấy kim đâm vào các đầu ngón tay và tai để bóp bỏ “máu độc”.
Cụ thể, 13h cùng ngày, người đàn ông được người nhà phát hiện đau đầu, nói ngọng, yếu 1/2 người bên trái. Gia đình tự xử trí bôi nước gừng, chọc các đầu ngón tay, tai. Tình trạng không cải thiện, gia đình mới đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu.
Thực hiện các cận lâm sàng cần thiết cho hình ảnh, nhồi máu não cấp do tắc mạch não giữa M1, M2.
Các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và thống nhất phương án thực hiện can thiệp lấy huyết khối với mục tiêu tái thông mạch não. Ca can thiệp cấp cứu đã thành công.
Bệnh nhân được lấy huyết khối cơ học tái thông hoàn toàn đoạn M1. Sau can thiệp toàn trạng bệnh nhân ổn định và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và tiếp tục điều trị. Hiện bệnh nhân cải thiện cơ lực tay và chân trái.
Theo bác sĩ Kiên, bệnh nhân bị nhồi máu não cấp thuỳ đảo nhưng được đưa đến bệnh viện khá muộn, sau 5 tiếng xuất hiện triệu chứng yếu ½ người bên trái, nói ngọng, đau đầu. Rất may mắn bệnh nhân đã được can thiệp thành công.
Trước đó, vào tháng 4/2023, tại Quảng Ninh cũng ghi nhận trường hợp tương tự. Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, ông Đ.Đ.Q. (60 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) đang ở nhà và có biểu hiện khó nói, tê yếu nửa người. Nghi ngờ ông bị đột quỵ, nghe theo kinh nghiệm truyền miệng, người vợ dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của ông, sau đó nặn máu để chữa bệnh.
Sau chích máu 20 phút không thấy chuyển biến, lúc này gia đình mới đưa ông Q. đến bệnh viện cấp cứu.
Theo bác sĩ khoa tâm thần kinh - cơ xương khớp bệnh viện, đây là một trong những sai lầm khi xử trí ban đầu cho người bệnh đột quỵ do có thể gây tình trạng nhiễm trùng tại vị trí chích máu.
Đặc biệt, việc máu chảy khó cầm đối với người bệnh đột quỵ não có rối loạn đông máu và làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Như trường hợp trên, bệnh nhân bị trì hoãn cấp cứu, nếu đến cơ sở y tế muộn rất có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.
Đột quỵ não có tỉ lệ tử vong rất cao, để lại những di chứng rất nặng nề cho người bệnh, nhẹ thì tê hoặc yếu tay chân, méo miệng, nói khó. Nếu nặng có thể liệt hoàn toàn nửa người hoặc toàn thân, hôn mê, thậm chí tử vong.
Thời gian gần đây, với sự thay đổi thời tiết đột ngột khi giao mùa, số người bệnh đột quỵ não ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp nhập viện khi bệnh đã chuyển biến rất nặng, do vậy việc phát hiện sớm và xử trí ban đầu đúng vô cùng quan trọng, giúp hiệu quả điều trị được tốt hơn.