Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc sau nhậu do uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Làm cách nào để phân biệt rượu chứa cồn công nghiệp methanol?
- Liều thứ 4 vắc xin COVID-19 đạt hiệu quả 73% trong việc ngừa nhiễm biến thể Omicron
- Những ai dễ mắc, biến chứng nặng và tử vong do đậu mùa khỉ?
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, nếu chỉ nếm hoặc nhìn thì rất khó phân biệt được rượu thường hay rượu chứa cồn công nghiệp methanol.
Các chuyên gia an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu...
Do đó, người dân cần cảnh giác với các loại rượu không nhãn mác, rượu được bán với giá “siêu rẻ”, thậm chí chỉ vài nghìn đồng mỗi lít. Vì rất có thể đó là rượu pha cồn công nghiệp methanol. Chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc, thuộc các cơ sở có thương hiệu uy tín,
Người dân cần cảnh giác với rượu không có nhãn mác, bán với giá rẻ để tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Ảnh minh họa
Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Hoặc cũng có thể nhận biết rượu pha cồn bằng cách đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Ngày hôm qua (8/8), BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận 5 trường hợp ngộ độc methanol. Qua khai thác tiền sử cho thấy các trường hợp này là cùng một nhóm bạn uống rượu chung với nhau vào ngày 5/8.
Cả 5 bệnh nhân đều là nam giới, nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được kèm theo các biểu hiện như mệt, nôn ói nhiều, mắt mờ. Hiện các bệnh nhân đang được lọc máu, bù dịch, điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ y tế.
Trước đó, ngày 4/8, một nhóm sinh viên tổ chức ăn nhậu ở một quán tại TP Thủ Đức (TP.HCM) và uống rượu không rõ nguồn gốc.
Sau khi về nhà, 1 người tử vong tại phòng trọ, 1 người tử vong tại Bệnh viện Lê Văn Việt. Những người còn lại đau bụng, chóng mặt, nôn ói, có triệu chứng co giật, lơ mơ nên được người thân chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM để cấp cứu.
Theo các chuyên gia y tế, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Ngộ độc methanol nặng có thể gây tử vong. Không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.