Cảnh báo số ca F0 trẻ em ở TP.HCM bất ngờ tăng vọt, bác sĩ đưa ra khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh

Sức khỏe 06/09/2021 10:37

Số trẻ em dưới 16 tuổi tại TP.HCM mắc COVID-19 đang được điều trị đã tăng nhanh, nguyên nhân do đâu?

Tuổi Trẻ Online dẫn tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, số trẻ em dưới 16 tuổi tại TP.HCM mắc COVID-19 (F0) đang được điều trị đã tăng nhanh, đến 6h ngày 5/9 là 3.106 trẻ. Trước đó 3 ngày, tức 2/9, số trẻ em điều trị tại cơ sở y tế là 2.522 trẻ, trong khi ngày 19/8 chỉ là 1.937 trẻ.

Theo VnExpress, hiện, trẻ em ở TP HCM mắc Covid-19 được cách ly điều trị tại nhà. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, trẻ được điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 4 (do Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách). Trường hợp diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến 3 viện nhi tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Báo Tuổi Trẻ Online cũng dẫn lời ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, số trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 gia tăng. Những ngày gần đây số trẻ mắc COVID-19 nhập viện Bệnh viện Nhi đồng TP cũng có xu hướng gia tăng. Có ngày số trẻ mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện này lên đến 320 trẻ, đó là chưa kể có nhiều trẻ mắc COVID-19 nhẹ được bệnh viện khuyến khích cho điều trị tại nhà. Vì môi trường bệnh viện có nguy cơ bội nhiễm, lây nhiễm chéo trong bệnh viện sẽ làm bệnh COVID-19 nặng thêm nên chỉ trường hợp nào cần thiết, các bác sĩ mới quyết định cho nhập viện.

Cảnh báo số ca F0 trẻ em ở TP.HCM bất ngờ tăng vọt, bác sĩ đưa ra khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh - Ảnh 1
Bé gái F0 5 tuổi lên xe đi điều trị COVID-19 ở TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ

 Theo bác sĩ Minh Tiến, trẻ mắc COVID-19 dưới 12 tháng tuổi, trẻ bị dư cân, trẻ mắc các bệnh nền (như bệnh tim mạch, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý huyết học...), trẻ vừa mắc COVID-19 vừa mắc các bệnh khác (như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm ruột thừa...), trẻ bình thường mắc COVID-19 khi có dấu hiệu chuyển nặng (như thở nhanh, co lõm lồng ngực, SpO2 dưới 93%) đều phải nhập viện điều trị.

Trẻ dưới 12 tháng tuổi mắc COVID-19 có nguy cơ trở nặng cao, ngoài ra trẻ ở lứa tuổi này chưa diễn đạt được triệu chứng nên có nguy cơ dễ bị bỏ sót. Trong khoảng 300 trẻ mắc COVID-19 nằm điều trị mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng TP, có khoảng 30% số trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Nguồn lây bệnh COVID-19 cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, theo bác sĩ Minh Tiến, thường là những người trực tiếp chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh, còn với những trẻ lớn hơn sẽ bị lây từ một trong các thành viên trong gia đình vì trẻ em trong những ngày giãn cách này chỉ ở trong nhà.

Theo bác sĩ Minh Tiến, cũng có trường hợp một người giúp việc đi giúp việc cho 15 gia đình, sau đó người giúp việc này mắc COVID-19 và đã lây cho cả 15 gia đình này, trong đó có những trẻ em.

Theo bác sĩ Minh Tiến, để hạn chế thấp nhất nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh COVID-19, điều quan trọng nhất là phải phủ được vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Cụ thể, số người lớn được tiêm cả 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt được 70 - 80%. Trẻ trên 12 tuổi cũng cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ngoài ra, người dân vẫn cần phải tuân thủ 5K, 5T. Hạn chế đi ra đường trong thời điểm này.

Đồng thời, bác sĩ Tiến cũng đưa ra khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh, cần lưu ý đi khám sớm khi thấy con sốt ho, đau rát họng, khó chịu... Chú ý chế độ ăn uống của trẻ, tránh dinh dưỡng quá mức gây thừa cân, béo phì, dễ phát sinh các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ suy hô hấp cao khi mắc bệnh.

Vừa nhận tiền hỗ trợ, 13 công nhân thất nghiệp ở Bình Dương bất chấp tụ tập 'sát phạt' thì bị bắt quả tang

Lực lượng chức năng đã lập biên bản nhóm công nhân tụ tập đánh bạc và đề nghị xử phạt hơn 180 triệu đồng.

TIN MỚI NHẤT