Theo giới chuyên môn, bệnh nhân hậu Covid-19 được xem là nhóm nguy cơ cao dẫn tới tiểu đường và đột quỵ.
- Thông tin mới về dịch COVID-19: 1/3 ca nhiễm nhập viện ở TP.HCM chưa tiêm đủ mũi vắc-xin
- Bệnh nhân tử vong do COVID-19 vì mắc bệnh viêm phổi nặng
Theo thông tin từ Vietnamplus, ngày càng có nhiều tài liệu y khoa cho thấy việc bị mắc COVID-19 làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Theo chuyên gia nhận định, COVID-19 có thể gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1 mạnh nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng này cũng xảy ra ở cả người lớn.
Một nghiên cứu do Canada từng công bố, có tới 1/20 trường hợp mới mắc bệnh tiểu đường có thể liên quan đến COVID-19, song nghiên cứu đó không thể phân biệt giữa bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là khi cơ thể ngừng sản xuất insulin, khiến lượng đường tích tụ trong máu và không liên quan đến chế độ ăn uống cũng như lối sống.
Bệnh có thể tấn công cơ thể con người mà không có lý do nhưng thường phát triển trong thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên.
Ngoài tiểu đường, Tổ chức Đột quỵ của Australia cũng cảnh báo nguy cơ đột quỵ gia tăng liên quan đến COVID-19 có thể tác động đáng kể đến gánh nặng do đột quỵ trong tương lai.
Theo thông tin từ Báo Người Lao Động, về mối liên quan giữa người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đột quỵ, nhiều nghiên cứu cho thấy một trong những di chứng hậu Covid-19 là tổn thương tim và mạch máu, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim và suy tim, đông máu...
Nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Những bệnh nhân nhẹ có nguy cơ đột quỵ < 1% nhưng với những bệnh nhân nặng thuộc diện phải chăm sóc đặc biệt thì nguy cơ này có thể lên tới 6%.
Theo chuyên gia, các dấu hiệu nhận biết tình trạng huyết khối hậu Covid-19 gồm tắc mạch máu não (đột quỵ, đau đầu, ngất xỉu, yếu nửa người, hôn mê); tắc động mạch vành tim (đau thắt ngực, mệt xỉu, tụt huyết áp); tắc mạch chi (chi lạnh, tím, đau nhức, hoại tử, mất vận động); tắc hệ thống tĩnh mạch ngoại biên chi dưới (phù chân một bên, tức nặng, đau); tắc mạch phổi cấp tính (khó thở tăng dần)…
Với tình trạng tắc mạch máu não sau Covid-19 gây đột quỵ, một số bác sĩ cho rằng có thể do tăng phản ứng viêm dẫn đến viêm các mạch máu, gây ra tình trạng tăng đông và hình thành huyết khối. Ngoài ra, có một số nghiên cứu cho rằng mắc Covid-19 có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.
Tuy nhiên, việc tăng nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân Covid-19 có thể do nhiều nguyên nhân trong đó một phần do tác động của đại dịch Covid-19, người dân quên việc kiểm soát bệnh nền (tim mạch, huyết áp, tiểu đường…). Thậm chí có một tỉ lệ không nhỏ người dân khi có dấu hiệu của bệnh nhưng lại sợ mắc Covid-19 nên trì hoãn việc đi khám.