Cầm điện thoại theo cách này có thể gây tổn thương dây thần kinh ở tay, nhiều người đang mắc phải

Sức khỏe 13/11/2023 00:45

Cầm điện thoại sai cách có thể gây ra tác hại đến ngón tay, cổ tay và cả dây thần kinh khu vực này.

Chắc chắn bạn đã từng nghe về tác hại khi sử dụng smartphone quá nhiều như ảnh hưởng thị lực, mất ngủ… Tuy nhiên, bạn có biết việc cầm điện thoại sai cách cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân?

Nếu bạn đang cầm điện thoại của mình với ngón út đỡ phần dưới, ngón trỏ, giữa, áp út nâng phần lưng và ngón cái để lướt màn hình thì có lẽ bạn nên dừng lại ngay vì nó gây ra nhiều tác hại cho ngón tay, cổ tay và dây thần kinh cơ.

Theo Healthline, ngón cái và ngón út là hai phần bị tác động mạnh nhất khi cầm smartphone, máy tính bảng hoặc bộ điều khiển trò chơi điện tử, dẫn đến tình trạng co cứng hoặc bị viêm.

"Ngón út Smartphone" (Smartphone Pinkie) là thuật ngữ để chỉ tình trạng ngón út bị có thể bị biến dạng do cầm smartphone sai cách.

Cầm điện thoại theo cách này có thể gây tổn thương dây thần kinh ở tay, nhiều người đang mắc phải - Ảnh 1
Nếu bạn đang cầm điện thoại của mình với ngón út đỡ phần dưới, ngón trỏ, giữa, áp út nâng phần lưng và ngón cái để lướt màn hình thì có lẽ bạn nên dừng lại

Chuyên gia trị liệu bàn tay Ann Lund cho biết, ngón út có kích thước nhỏ nhất vì thế nó sẽ không chịu được áp lực bởi một vật nặng hơn. Còn theo Michelle G. Carlson, bác sĩ phẫu thuật bàn tay và chi tại Bệnh viện Phẫu thuật đặc biệt ở New York, việc sử dụng ngón út để đỡ trọng lượng điện thoại có thể làm căng dây chằng nối giữa ngón tay với bàn tay.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ben Lombard, thành viên của Hiệp hội Vật lý trị liệu Chartered Anh chia sẻ với HuffPost UK rằng: "Chúng ta có xu hướng đặt ngón út ở phần dưới điện thoại và uốn cong cổ tay vào trong để có thể nhìn thấy màn hình. Điều này có thể gây chèn ép dây thần kinh trụ (ulnar nerve) nếu thực hiện trong thời gian dài."

Dây thần kinh trụ là một trong ba dây thần kinh chính ở cánh tay chạy dọc từ nách xuống khuỷu tay và đến ngón tay út, kiểm soát gần như tất cả các cơ nhỏ trên bàn tay. Việc chèn ép dây thần kinh trụ sẽ gây ra các bệnh thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương dây thần kinh. 

Trong một nghiên cứu năm 2017, Peter White, trợ lý giáo sư khoa công nghệ y tế và tin học tại một trường Đại học Bách khoa, đã xem xét tác động của việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử lên dây thần kinh giữa - dây thần kinh duy nhất đi qua ống cổ tay giúp chúng ta cử động cẳng tay, cổ tay, bàn tay và ngón tay.

White nhận thấy rằng, những sinh viên cầm thiết bị điện tử hơn 5 giờ một ngày bị đau cổ tay và bàn tay nhiều hơn so với những người sử dụng ít hơn 5 giờ một ngày.

Trong nghiên cứu tiếp theo, White phát hiện ra rằng, cổ tay khi bị uốn cong lệch chính giữa có thể dẫn đến sự biến dạng rõ rệt dây thần kinh giữa.

Vậy nên cầm điện thoại thế nào?

Để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, người dùng được khuyến cáo không sử dụng ngón út để đỡ điện thoại; nhớ giữ cổ tay càng thẳng càng tốt, hạn chế gập các ngón khác khi sử dụng smartphone, đặc biệt là khi sử dụng một tay.

Chuyên gia trị liệu tay Dina Delopoulos khuyên người dùng smartphone nên thường xuyên nghỉ ngơi và thực hiện các bài tập kéo, hay duỗi cơ bằng cách uốn cong ngón tay, hoặc kéo giãn bàn tay vuông góc với cổ tay.

Cầm điện thoại theo cách này có thể gây tổn thương dây thần kinh ở tay, nhiều người đang mắc phải - Ảnh 2

Dẫu vậy, ông Lombard nhấn mạnh không có "tư thế tốt nhất để cầm điện thoại di động". Ông gợi ý rằng bạn có thể sử dụng máy tính có màn hình lớn hơn, TV hoặc giảm thời gian sử dụng điện thoại di động lại.

Tham khảo Life Hacker

Gia tăng trẻ mắc hội chứng LẠ do nghiện xem điện thoại: Cha mẹ cẩn trọng nếu không muốn trẻ bị ám ảnh thần kinh đến khi trưởng thành

TIC là chứng bệnh lạ, rất nhiều người lần đầu tiên nghe đến. Thế nhưng, trong những năm gần đây, số lượng trẻ mắc, thậm chí phải nhập viện điều trị lại gia tăng nhanh chóng.

TIN MỚI NHẤT