Với nhịp sống phồn hoa tại nơi đô thị, giới trẻ dễ lầm đường lạc lối vào những thú vui ''độc hại'' như bóng cười, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hệ thần kinh.
- Người phụ nữ ngã xe lún cột sống vì áo chống nắng vướng vào bánh xe máy
- Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cấp cứu bé sơ sinh không có lỗ hậu môn hiếm gặp
Dẫn nguồn tin từ báo Dân Trí, một nữ học sinh 15 tuổi ở Quảng Ninh được gia đình đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy khám trong tình trạng tê bì hai tay, hai chân tê bì, yếu dần, đi lại khó khăn kèm theo sụt cân nhiều.
Trước đó, cô gái đã sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 10 quả. Kết quả chụp cộng hưởng từ cột sống cổ có hình ảnh tổn thương sừng sau tủy cổ. Căn cứ vào thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, bác sĩ tại phòng khám yêu cầu Nội 3 đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh rễ thần kinh tủy sống cổ, theo dõi do ngộ độc khí cười N20.
Theo các bác sĩ, trường hợp này không phải cá biệt. Trước đó, khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí N20 do sử dụng bóng cười dài ngày. Các triệu chứng thần kinh chủ yếu thường gặp như: Tê bì, yếu hoặc yếu nhẹ tay chân, đi lại không vững, có hoặc không có tổn thương tủy cổ…
BSCKI Lê Thị Mai - khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng cho biết, N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, ảo giác tương tự heroin.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân điều trị tình trạng ngộ độc liên quan đến bóng cười ngày càng tăng, thậm chí ngày nào cũng có ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện.
Vừa qua, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận trường hợp thanh niên 21 tuổi bị ngộ độc do hít bóng cười liên tục. Theo lời kể của bệnh nhân, hầu như ngày nào anh cũng hít hàng chục quả bóng cười vì cảm thấy nó rất... sảng khoái.
Thậm chí, người này còn mua cả một bình khí N2O loại 5kg giá hơn 1 triệu đồng để bơm bóng cười hít tại nhà. Sau một thời gian, bệnh nhân thấy có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì 2 bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực nên đi khám.
Tác hại của bóng cười lên cơ thể ?
Nếu sử dụng một thời gian dài hơn, người dùng có thể bị thiếu vitamin B12, gây tổn thương thần kinh ở tay và chân, hoặc các vấn đề với hệ thống miễn dịch vì hóa chất có thể ngăn chặn các tế bào bạch cầu hình thành đúng cách. Ở liều cao có thể dẫn đến ảo giác và chóng mặt, làm tăng nguy cơ tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông, khiến cơ thể dễ mất kiểm soát.
Dù liên tục lập tổ công tác truy quét, kiểm tra hàng đêm nhưng nghịch lý là theo quy định hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh khí N2O (hay còn còn gọi là bóng cười) chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng/vụ.
Một quả bóng cười tại các quán bar đang được bán cho khách với mức giá 200.000 đồng. Với số lượng bóng cười tiêu thụ là hàng trăm, hàng nghìn quả, chỉ sau một đêm, chủ cơ sở đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Bóng cười là một món hàng siêu lợi nhuận nên để ngăn chặn triệt để vấn nạn kinh doanh sử dụng trái phép bóng cười, chỉ sự vào cuộc truy quét của cơ quan công an sẽ là không đủ nếu chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm như hiện nay.
Theo thông tin ghi nhận từ Sở y tế Hà Nội, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, một số nước cho phép sử dụng bóng cười như một trò giải trí, tuy nhiên họ kiểm soát rất nghiêm ngặt hàm lượng khí trong mỗi quả bóng cũng như chất lượng loại khí N2O sử dụng.
Còn ở Việt Nam, bóng cười không nằm trong danh mục cấm nên việc sản xuất tràn lan, không thể kiểm soát chất lượng cũng như số lượng khí bơm vào mỗi quả bóng. Do đó, rủi ro cho người chơi là rất cao. Trường hợp khí N2O trong quả bóng quá nhiều sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Chất lượng khí lại không đảm bảo thì nguy hại nhân đôi.
"Khí này không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có tí oxy nào nên khi sử dụng sẽ làm thiếu oxy lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh. Nhiều người không hiểu rõ cơ chế gây tác hại của bóng cười nên vô tư sử dụng để giải trí là điều rất nguy hiểm. Cha mẹ cần kiểm soát con cái chặt hơn, tuyệt đối không cho sử dụng bóng cười", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm.