Sau sự việc nhiều học sinh trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với bệnh sán lợn đã gây hoang mang cho các bậc phụ huynh về nguy cơ con mình mắc bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bậc phụ huynh cần có những biện pháp gì để phòng bệnh sán lợn gạo?
- BS Khanh: Không nên quá lo khi con dương tính với sán lợn
- ẢNH: Trẻ em khóc lóc, phụ huynh lo lắng khi đi xét nghiệm sán lợn
Sán lợn gạo là một bệnh nằm trong hệ thống các bệnh ký sinh trùng lây truyền giữa động vật và người, trong đó, lợn mang ấu trùng sán lợn đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh.
Người mắc bệnh sán lợn do 2 nguyên nhân chính: ăn phải trứng của sán dây lợn từ phân người bị mắc sán lợn đào thải ra môi trường thông qua thực phẩm, rau, quả, nước bị nhiễm trứng sán lợn, nhất là ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi hoặc ăn phải ấu trùng sán lợn do ăn thịt lợn bị nhiễm sán (lợn gạo) chưa nấu chín, còn sống (ăn tiết canh, nem chua, nem chạo…).
Đường đi của sán lợn vào cơ thể người như thế nào?
Những đốt sán già, rụng ở ruột non theo nhu động ngược chiều lên dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, tại đây, trứng từ các đốt già được giải phóng ra và đi xuống tá tràng (có hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng) và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, tổ chức não, cơ tim… phát triển thành nang ấu trùng sán.
Thông thường, sau 24-72 giờ kể từ khi ăn phải ấu trùng, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ. Sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài (kích thước 17-20x7-10 mm), còn được gọi là gạo lợn, trong nang gạo lợn có dịch màu trắng, mẩu đầu sán với 4 giác và 2 vòng móc. Ấu trùng sán lợn có thể đi đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt, da và đặc biệt là não (chiếm 60-80% các trường hợp).
Bệnh sán lợn biểu hiện như thế nào?
Ở da có các nang nhỏ bằng hạt đỗ đường kính khoảng từ 5 - 10mm, đôi khi lớn hơn, thường nổi ở mặt trong cánh tay nhưng có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào và có tính cách đối xứng.
Thường không đau, di động trên nền sâu, lặn dưới da.
Khi xuất hiện ở não được biểu hiện như u trong não gây nên nhiều triệu chứng như động kinh, rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt, thậm chí đột tử.
Ở mắt, ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.
Nếu nang ấu trùng ở cơ tim sẽ gây nên tim đập nhanh, rối loạn nhịp, có thể bị ngất.
Nguyên tắc điều trị.
Điều trị sớm: cần thiết chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán ra theo phân hoặc đốt sán ra quần lót / quần đùi để tránh những biến chứng do sán dây lợn (bệnh ấu trùng sán lợn).
Không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán dây lợn vì dể xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn nên thực hiện ở cơ sở y tế trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.
Các biện pháp phòng chống bệnh sán
Đối với bệnh do sán dây trưởng thành:
Không ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu bò chưa nấu chín như nem, thính, nem chua, tré, thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu, bò tái; kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ lợn, trâu bò và loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; quản lý phân tốt: luôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không để lợn thả rông ăn phân người; tốt nhất không nuôi lợn thả rông.
Đối với bệnh ấu trùng sán lợn:
Không ăn rau sống, không uống nước lã; quản lý phân tốt, nhất là phân của những người nhiễm ấu trùng sán dây lợn T.solium; phát hiện và điều trị sớm những người mắc bệnh sán dây và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dây lợn để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm.